Bối cảnh mới, tình hình mới đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với ngành điện trong bảo đảm vấn đề cung cấp điện cho nền kinh tế. Vậy ngành điện có giải pháp, kịch bản, sự chuẩn bị như thế nào trong đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng; hoạt động sản xuất, điều tiết, vận hành, cung ứng điện và cách tính giá thành điện năng hiện nay đang đặt ra những vấn đề gì; các giải pháp cần thiết nhằm sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh… Với tinh thần đó, Tọa đàm "Bảo đảm điện cho tăng trưởng - Yêu cầu và giải pháp” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 7/5 với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng, doanh nghiệp đã phân tích, kiến giải, làm rõ những vấn đề này.
Bảo đảm cung ứng điện năng trong năm 2025
Trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm cân đối năng lượng; yêu cầu khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc của ngành điện và nhấn mạnh quan điểm, mệnh lệnh dứt khoát là phải bảo đảm "Đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống”.
“Với những giải pháp chuẩn bị của Bộ Công thương, đến thời điểm hiện tại, việc cung ứng điện năng cho đất nước trong năm 2025 sẽ được bảo đảm”, là chia sẻ của ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công thương tại Tọa đàm.
![]() |
Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: VGP) |
Trong bối cảnh mới, điều kiện mới, mùa nắng nóng 2025 bắt đầu, Bộ Công thương đã chỉ đạo ngành điện có giải pháp, kịch bản, kế hoạch cụ thể. Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương cho biết: Với kịch bản Bộ Công thương tính toán là mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng trên 12%, Bộ đã tập trung vào sáu nhóm giải pháp, bao gồm:
Thứ nhất: các nhà máy điện, các đơn vị truyền tải, phân phối bảo đảm kế hoạch liên quan đến duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất, đáp ứng nhu cầu điện trong năm.
Thứ hai, về cung ứng nhiên liệu cho phát điện, các nhà máy điện và các đơn vị cung ứng nhiên liệu chủ chốt cho phát điện như than, dầu, khí… lên kế hoạch và bảo đảm lượng lưu trữ, tồn trữ trong nhà máy cũng như trong kho chứa để cung ứng điện trong những giai đoạn cao điểm.
Thường xuyên kiểm tra giám sát, bảo đảm toàn bộ các đơn vị, cơ quan, tổ chức từ phát điện, điều độ hệ thống, đến truyền tải, phân phối sẵn sàng cao nhất, chuẩn bị thích ứng và ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Thứ ba là thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm nay như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4; dự án lưới điện 500 kV Lào Cai-Vĩnh Yên…
Thứ tư là Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) chuẩn bị sẵn những kịch bản phụ tải và có kế hoạch huy động hợp lý các nguồn điện đáp ứng nhu cầu điện trong mọi tình huống.
Thứ năm là tăng cường tiết kiệm điện. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Bởi tiết kiệm điện cũng tương ứng với việc giảm được nhu cầu, đặc biệt là vào cao điểm sử dụng điện.
Cuối cùng là thường xuyên kiểm tra giám sát, bảo đảm toàn bộ các đơn vị, cơ quan, tổ chức từ phát điện, điều độ hệ thống, đến truyền tải, phân phối sẵn sàng cao nhất, chuẩn bị thích ứng và ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Vượt qua các rào cản, phát triển thị trường điện minh bạch
Ngành điện được đánh giá đã luôn nỗ lực đáp ứng các yêu cầu về điện đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm cung cấp điện bền vững trong nền kinh tế thị trường, ngành điện cũng cần vượt qua các "rào cản", trong đó lớn nhất là những điểm bất hợp lý trong cơ cấu giá thành, cách tính giá điện như hiện nay.
![]() |
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa (giữa): điều hành giá điện phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện. (Ảnh: VGP) |
Trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào của ngành liên tục biến động và neo cao, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng: giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn.
Thứ nhất, giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, trong nhiều năm qua không được tính đúng tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1kWh điện. Bên cạnh đó, giá điện chưa được khắc phục tình trạng mua cao bán thấp diễn ra trong nhiều năm.
Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu, chúng tôi thường gọi là đa mục tiêu. Thường giá điện phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm.
Thứ ba, cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.
Tại Tọa đàm, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng đã nêu rõ: Hiện có 2 thách thức đặt ra của ngành năng lượng gồm bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế và bảo đảm chất lượng nguồn điện, thì dưới góc độ kinh tế vĩ mô thì thời gian tới, giá điện phải khác đi.
Hiện nay, nếu so sánh giá điện trung bình tại Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế, có thể thấy một số điểm đáng lưu ý: Mức giá điện trung bình của Việt Nam đang ở ngưỡng tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ. Mức giá này cao hơn một số quốc gia như Bangladesh hay Malaysia, những nước có lợi thế riêng như tài nguyên thủy điện (Bangladesh) hoặc dầu khí nội địa (Malaysia), từ đó có thể xây dựng cơ chế bù giá hiệu quả.
Ngược lại, nhiều quốc gia khác trong khu vực lại có giá điện cao hơn Việt Nam, ví dụ như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines. Riêng Singapore, giá điện hiện đã tiệm cận mức của Nhật Bản. Tại Thái Lan, sau cải tổ cơ chế giá điện, đặc biệt chuyển sang mô hình tính theo giờ, giá điện trung bình đã tăng mạnh so với 3-4 năm trước, thậm chí cao gấp rưỡi.
Từ đó có thể thấy vấn đề không đơn giản chỉ là "giá điện tăng hay giảm", mà là làm thế nào để giá điện phản ánh đúng bản chất chi phí sản xuất, bảo đảm ổn định, bền vững trong đầu tư và vận hành hệ thống điện quốc gia.
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn cho biết: Nếu Việt Nam duy trì mức giá điện thấp hơn chi phí thực tế trong thời gian dài, có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh tạm thời cho sản xuất hoặc an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, không bảo đảm cung ứng điện ổn định, thiếu bền vững về lâu dài. Chính vì vậy, giải pháp căn cơ để tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư là cần có lộ trình điều chỉnh giá điện hợp lý, minh bạch, phản ánh đúng chi phí, đồng thời có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi điều chỉnh. Việc này đòi hỏi sự hài hòa giữa mục tiêu an sinh và cơ chế thị trường.
Một rào cản lớn khác đối với phát triển ngành điện là môi trường pháp lý và chính sách chưa thật sự minh bạch, nhất quán. Theo ông Sơn, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới ban hành là một bước ngoặt rất quan trọng. Nghị quyết này nêu rõ các nhiệm vụ: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm minh bạch, thông thoáng, dễ tiếp cận; Khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong thực thi chính sách, giữa Trung ương-địa phương, và giữa các bộ, ngành; Thử nghiệm các mô hình cơ chế đặc biệt cho các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, điện hydrogen…; Xác lập cơ chế thanh toán, hợp đồng, giá bán rõ ràng, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-đầu tư; Tăng khả năng tiếp cận vốn cho các dự án điện. Nếu thực hiện đầy đủ và đúng tinh thần của Nghị quyết 68, các vướng mắc lớn trong ngành điện sẽ dần được tháo gỡ một cách căn cơ và bền vững.
Liên quan đến xã hội hóa trong hoạt động điện lực, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi. Ông Phan Đức Hiếu cũng chia sẻ: Luật Điện lực sửa đổi đã có nhiều điểm thay đổi đáng kể so với trước đây. Nếu xét về số lượng điều khoản và nội dung chi tiết được bổ sung thì đây thực sự là một bước chuyển lớn. Dưới góc độ xã hội hóa, có thể khái quát ba điểm thay đổi quan trọng:
Thứ nhất, Luật mở ra nhiều cơ hội hơn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động điện lực.
Thứ hai, Luật đã thu hẹp phạm vi độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực, qua đó tạo thêm không gian cho các thành phần kinh tế khác.
Thứ ba, nguyên tắc hình thành thị trường điện cạnh tranh được thể hiện rõ hơn thông qua việc tiếp tục tách bạch các khâu trong hoạt động điện lực.
Điểm thứ hai, nguyên tắc hình thành thị trường điện cạnh tranh tiếp tục được nhấn mạnh trong Luật sửa đổi, thông qua việc tách bạch rõ ràng giữa các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Trong từng khâu này, Luật khuyến khích sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho khu vực tư nhân tham gia cung ứng điện năng.
Điểm thứ ba là những thay đổi liên quan trực tiếp đến thể chế - yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến hiệu quả triển khai các chính sách trong thực tế.
Bên cạnh đó, Luật cũng mở ra những hình thức đầu tư mới như đối tác công-tư (PPP)…, từ đó mở rộng cơ hội cho các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường điện lực. Có thể nói, xét về thể chế, Luật lần này không chỉ cải cách thủ tục mà còn tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, có một điểm rất quan trọng dù không nổi bật nhưng lại mang tính nền tảng: Đó là sự minh bạch trong các quy định. Để thu hút đầu tư vào ngành điện, chỉ cải cách thủ tục là chưa đủ. Nếu nhà đầu tư không có một khung pháp lý rõ ràng, không nắm được kế hoạch sản xuất-kinh doanh, chi phí đầu vào, đầu ra và tổng mức đầu tư thì họ sẽ không thể yên tâm tham gia.
Có thể thấy khó nhất hiện nay vẫn là hài hòa được các lợi ích khi: Người phát điện muốn phải có giá điện ít nhất là đủ bù đắp cho chi phí; người mua điện thì luôn lo lắng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là việc cần phải thực hiện trước khi chúng ta hướng đến một thị trường điện cạnh tranh như Luật Điện lực đã đề ra.