Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về tinh gọn tổ chức bộ máy, ngày 31/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tiếp đó, ngày 15/3/2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 67/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và bổ sung một số nội dung liên quan đến thực hiện tinh giản, sắp xếp.
Trên cơ sở đó, ngày 24/01/2025, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BTC để hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách quy định tại các Nghị định nêu trên. Đây là căn cứ quan trọng giúp các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai chính sách đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của các đối tượng bị tác động.
Bộ Tài chính cho biết, do đây là nhiệm vụ phát sinh trong năm ngân sách 2025, nên theo quy định pháp luật hiện hành, việc bổ sung nguồn lực để triển khai chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ Tài chính đã kịp thời báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (dự kiến diễn ra trong tháng 5/2025) nội dung đề nghị bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để có đủ nguồn lực thực hiện chính sách theo đúng quy định.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua việc bổ sung dự toán ngân sách, trên cơ sở tổng hợp đề xuất cụ thể từ các bộ, ngành và địa phương, Chính phủ sẽ bố trí kinh phí để triển khai chính sách trên phạm vi toàn quốc. Trong thời gian chờ Quốc hội quyết định và Chính phủ phân bổ, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn rõ ràng nhằm bảo đảm việc chi trả chế độ, chính sách không bị chậm trễ.
Cụ thể, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 07/2025/TT-BTC quy định: “Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí, đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động sử dụng nguồn dự toán được giao để kịp thời chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng theo quy định”.
Như vậy, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm rà soát, cân đối trong phạm vi dự toán ngân sách đã được phân bổ đầu năm để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đồng thời, để phục vụ việc tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bổ sung ngân sách kịp thời, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương lập dự toán chi tiết và báo cáo đầy đủ nhu cầu kinh phí phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để cân đối, bố trí và phân bổ ngân sách, bảo đảm đầy đủ nguồn lực thực hiện chế độ, chính sách theo định.
Việc bảo đảm kinh phí đầy đủ, kịp thời không chỉ là yếu tố kỹ thuật trong điều hành ngân sách mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong việc thực hiện thành công công cuộc đổi mới, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.