Cùng suy ngẫm:

Bảo đảm môi trường sống trong lành

Theo số liệu từ ứng dụng VN AIR của Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thời gian gần đây, chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội thường xuyên nằm ở mức kém và xấu, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Ảnh: SƠN BÁCH)
Ảnh minh họa. (Ảnh: SƠN BÁCH)

Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết tại các quận, huyện; nhất là các quận nội thành tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông. Nhiều thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 272, đưa Hà Nội tiếp tục trở lại trong danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới với chất lượng không khí ở mức tím - mức nguy hại tới sức khỏe con người. Dịp cuối tháng 10 năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó có 3 đợt từ tháng 1 đến tháng 4 và một đợt vào đầu tháng 10.

Những con số nêu trên không chỉ phản ánh sự suy giảm chất lượng môi trường sống, mà còn cảnh báo nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng. Việc tiếp xúc lâu dài với bụi mịn PM2.5 có thể gây nhiều bệnh lý nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn và ung thư phổi. Ngoài ra, bụi mịn còn là nguyên nhân gây suy giảm chức năng tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý về mạch máu. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng cuộc sống của người dân.

Các nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí đã được nhận diện rõ. Giao thông quá tải với hàng triệu ô-tô, xe máy cũ, hoạt động xây dựng không che chắn bụi, đốt rác tự phát, các cơ sở tái chế thiếu hệ thống xử lý khí thải. Điều kiện thời tiết vào mùa đông còn bất lợi hơn khiến khí thải không thể khuếch tán, bị giữ lại ở tầng thấp và làm gia tăng nồng độ ô nhiễm. Trong khi đó, các giải pháp xử lý vẫn chậm trễ, hiệu quả chưa cao.

Như nhận định của Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, một trong những nguyên nhân cốt lõi là một số cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề ô nhiễm không khí, trong đó biện pháp khắc phục còn chậm, chưa hiệu quả. Một số chính quyền địa phương chưa quyết liệt và chưa dành đủ nguồn lực tài chính để triển khai đồng bộ các giải pháp; việc lập và triển khai quy hoạch phát triển chưa đồng bộ, thiếu giải pháp khả thi bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng ban hành nhiều văn bản quy định, nhưng không cụ thể, thiếu hướng dẫn kỹ thuật, vẫn nặng về tiền kiểm thay vì hậu kiểm, khiến doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhất là ở cấp địa phương khó thực hiện.

Trước thực trạng đó, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng thành phố Hà Nội và các địa phương vùng Thủ đô xây dựng, trình Thủ tướng Đề án giải quyết ô nhiễm không khí. Một số giải pháp được Phó Thủ tướng gợi ý là di dời, đóng cửa những cơ sở gây ô nhiễm nặng; áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cao hơn về khí thải phương tiện giao thông… Cùng với việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng, để đẩy nhanh quá trình giảm ô nhiễm không khí, hướng tới mục tiêu thành phố Net Zero, Hà Nội và các tỉnh phía bắc buộc phải kiểm soát nguồn thải.

Theo đó, các cơ quan quản lý sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng. Cần cụ thể hóa hơn các văn bản luật đi vào cuộc sống, để những người được giao nhiệm vụ có cơ sở hướng dẫn thực thi. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội cần đầu tư đáng kể về tài chính một cách có trọng điểm, ưu tiên cho các chương trình giảm ô nhiễm như giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu sạch; cần có cơ chế, chính sách chuyển đổi phương thức sử dụng phương tiện cá nhân sang công cộng; ban hành quy định tiên tiến về mức tiêu hao nhiên liệu; chuyển đổi phương thức vận tải hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy nội địa, đường sắt điện khí hóa.

Cùng với đó, cần xây dựng và triển khai hệ thống quan trắc môi trường tự động trên toàn quốc, đồng thời số hóa cơ sở dữ liệu lĩnh vực môi trường, giúp đưa ra quyết định xử lý ô nhiễm kịp thời, bảo đảm môi trường sống bền vững cho người dân.