Bảo hiểm nông nghiệp cần hành lang pháp lý rõ ràng

Trước thiên tai ngày càng khốc liệt và khí hậu biến đổi khó lường, bảo hiểm nông nghiệp cần được xem như trụ cột an sinh xã hội và công cụ quản trị rủi ro quốc gia. 

Công ty Việt Trường (Hải Phòng) từng bước phục hồi và đến nay, hoạt động của nhà máy đã trở lại gần như 100%.
Công ty Việt Trường (Hải Phòng) từng bước phục hồi và đến nay, hoạt động của nhà máy đã trở lại gần như 100%.

Không chỉ là giải pháp tài chính, bảo hiểm cần trở thành “tấm khiên kinh tế” giúp người dân, nhất là nông dân và nhóm yếu thế, ứng phó hiệu quả với các cú sốc thiên nhiên.

Mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại từ 15.000-30.000 tỷ đồng, buộc Nhà nước phải chi ngân sách khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân và phục hồi sản xuất. Thiệt hại không chỉ là con số tài chính, mà còn là đứt gãy sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng, mất an ninh lương thực cục bộ và ảnh hưởng tâm lý kéo dài đối với người dân.

Mặc dù Nhà nước luôn có gói cứu trợ khẩn cấp, nhưng ngân sách không thể đáp ứng kịp thời mọi rủi ro ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm - nhất là bảo hiểm phi nhân thọ, trở thành công cụ san sẻ rủi ro hiệu quả, giảm gánh nặng tài chính cho người dân và ngân sách quốc gia.

Mặc dù Nhà nước luôn có gói cứu trợ khẩn cấp, nhưng ngân sách không thể đáp ứng kịp thời mọi rủi ro ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm - nhất là bảo hiểm phi nhân thọ, trở thành công cụ san sẻ rủi ro hiệu quả, giảm gánh nặng tài chính cho người dân và ngân sách quốc gia.

Điển hình như bão Yagi năm 2024 gây thiệt hại hơn 83.000 tỷ đồng tại nhiều địa phương. Riêng tại Agribank, hơn 28.000 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ liên quan khoảng 40.000 tỷ đồng. Một số khách hàng tham gia bảo hiểm đã được chi trả kịp thời, như Công ty Việt Trường (Hải Phòng) nhận hơn 22 tỷ đồng từ Bảo hiểm Agribank (ABIC), Công ty thiết bị điện Presenza (Hà Nội) được tạm ứng 1 tỷ đồng sau bão. “Khoản tiền từ bảo hiểm đến rất đúng lúc. Nếu không có nguồn này, chúng tôi không thể khởi động lại nhà máy, không thể giữ được mấy trăm công nhân, lao động. Vấn đề không chỉ là tiền mà còn là niềm tin vào hệ thống bảo hiểm, là sự hỗ trợ thực chất trong lúc nguy cấp”, ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Trường chia sẻ.

Trong 10 năm qua, ba công ty bảo hiểm phi nhân thọ trực thuộc Ngân hàng Agribank (ABIC), VietinBank (VBI), BIDV (BIC) đã chi trả hơn 20.000 tỷ đồng bồi thường cho khách hàng gặp rủi ro.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu khẳng định, hậu quả của bão Yagi càng cho thấy vai trò thiết yếu của bảo hiểm. Bảo hiểm không chỉ bồi thường thiệt hại, hỗ trợ khôi phục sản xuất, mà còn có giá trị khi doanh nghiệp bảo hiểm chủ động tư vấn giúp khách hàng phòng ngừa rủi ro, giảm tổn thất. Trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh liền mạch là yếu tố quan trọng, nên khi doanh nghiệp bảo hiểm tư vấn cho khách hàng giảm tổn thất, cũng đồng nghĩa việc sản xuất sẽ khôi phục nhanh hơn. Đây cũng là một giá trị của bảo hiểm mà ít được truyền thông và xã hội nhắc tới.

Trong lĩnh vực tam nông, rủi ro luôn hiện hữu nhưng bảo hiểm lại bị coi là điều xa xỉ. Nông dân thiếu vốn, thiếu hiểu biết tài chính, dễ tổn thương trước thiên tai và biến động thị trường, song rất ít người tiếp cận được bảo hiểm. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, nguyên nhân là do nông dân chưa nhận thức đầy đủ vai trò của bảo hiểm nông nghiệp, công tác tuyên truyền còn hạn chế, trong khi chi phí bảo hiểm tuy không cao nhưng vẫn là gánh nặng với một số hộ.

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ định hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trong đó bảo hiểm cần được đặt ngang hàng với đầu tư hạ tầng, giống cây con, tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, dù đã có các sản phẩm như bảo hiểm mùa vụ, vật nuôi, bảo an tín dụng…, tỷ lệ nông dân tham gia vẫn thấp. Một trong những nguyên nhân là do người nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm, thường trông chờ hỗ trợ từ ngân sách khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Tại các vùng nông nghiệp, người dân thường có thu nhập thấp, ít hiểu biết về bảo hiểm, trong khi rủi ro thì luôn cận kề. Nếu không có sự hỗ trợ về chính sách và truyền thông, thì bảo hiểm dù có thiết kế tốt đến mấy cũng khó lòng phát huy tác dụng. Nhà nước cần xác định rõ, bảo hiểm không chỉ là hàng hóa thị trường, mà là một thiết chế an sinh, giúp giảm gánh nặng ngân sách khi thiên tai xảy đến.

Ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank

Trong khi đó, theo ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank, tại các vùng nông nghiệp, người dân thường có thu nhập thấp, ít hiểu biết về bảo hiểm, trong khi rủi ro thì luôn cận kề. Nếu không có sự hỗ trợ về chính sách và truyền thông, thì bảo hiểm dù có thiết kế tốt đến mấy cũng khó lòng phát huy tác dụng. Nhà nước cần xác định rõ, bảo hiểm không chỉ là hàng hóa thị trường, mà là một thiết chế an sinh, giúp giảm gánh nặng ngân sách khi thiên tai xảy đến.

Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm vào cuộc mạnh mẽ, nơi đó bảo hiểm trở thành chỗ dựa tin cậy. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, cần xây dựng hệ sinh thái phối hợp liên ngành: ngân hàng-bảo hiểm-chính quyền-tổ chức xã hội. Thêm vào đó, cần phát huy vai trò của ngân hàng trong truyền tải sản phẩm bảo hiểm tới nông thôn, nơi ngân hàng nhiều khi là kênh tiếp cận duy nhất với hệ thống tài chính chính thức.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, quy định cấm hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng dưới hình thức “bán kèm” với sản phẩm tín dụng nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu siết quá mức, quy định này có thể vô tình tạo thêm rào cản đối với người dân khu vực nông thôn - nơi vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận bảo hiểm nông nghiệp.

Đại diện Bảo hiểm VietinBank (VBI) cho rằng, khái niệm “bán kèm” trong luật hiện hành còn cách hiểu chưa thống nhất, gây khó khăn trong phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Theo đó, cần có cơ chế pháp lý linh hoạt hơn để vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời, cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để việc phối hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện hiệu quả, không làm giảm khả năng tiếp cận bảo hiểm của người dân nông thôn. Ngoài ra, cần xem xét chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp; cho phép phân phối qua ngân hàng với điều kiện minh bạch, bảo vệ quyền lợi khách hàng và tránh hiểu nhầm là “bán kèm” bắt buộc.

Việc ban hành một nghị định riêng về bảo hiểm nông nghiệp đang trở nên cấp thiết. Theo các chuyên gia, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của các bên liên quan; cơ chế hỗ trợ từ ngân sách; chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm; đồng thời khuyến khích mô hình liên kết giữa Nhà nước-nhà nông-nhà khoa học-doanh nghiệp, với bảo hiểm là công cụ bảo đảm tài chính.

Có thể bạn quan tâm

back to top