Bảo vệ quyền lợi đoàn viên công đoàn trong bối cảnh mới

Sáu tháng đầu năm là thời điểm tổ chức công đoàn tập trung cao độ thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa triển khai công tác năm, vừa tiến hành sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Thực tế này gây áp lực không nhỏ đến công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, lao động nhân Tháng Công nhân 2025. (Ảnh: NGUYỄN HẢI)
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, lao động nhân Tháng Công nhân 2025. (Ảnh: NGUYỄN HẢI)

Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có 13 đến 14 triệu đoàn viên công đoàn. Năm 2025 còn là năm bản lề thực hiện Nghị quyết số 02, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt mục tiêu trong năm phát triển thêm 1,65 triệu đoàn viên, gắn công tác phát triển đoàn viên với xây dựng tổ chức chính trị-xã hội vững mạnh tại cơ sở.

Vượt khó trong thực hiện "nhiệm vụ kép"

Để thực hiện mục tiêu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo: Tháng Công nhân năm 2025 là tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; giới thiệu, phát triển đảng viên công nhân, tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, lao động khu vực phi chính thức.

Với nỗ lực không ngừng, các cấp công đoàn đã có những cách làm chủ động, sáng tạo, tập trung phát triển hơn 480,6 nghìn đoàn viên, thành lập mới 2.369 công đoàn cơ sở.

Điển hình như tại Liên đoàn Lao động các tỉnh Bắc Giang (cũ), Đồng Nai (cũ), cán bộ công đoàn phối hợp ban quản lý khu công nghiệp, chính quyền địa phương thu thập thông tin, tiếp cận doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Tổ công đoàn lâm thời do công nhân làm nòng cốt là “hạt nhân” vận động đồng nghiệp gia nhập tổ chức.

Một số công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương (cũ) tận dụng mạng xã hội, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT để truyền thông, viết bài, tạo hình ảnh nhanh chóng, tiết kiệm thời gian trong tuyên truyền vận động, đạt hiệu quả cao.

Trong khi đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh (chưa sáp nhập) xây dựng chiến lược phát triển đoàn viên “bắt đầu từ chỗ trọ” để tiếp cận, vận động công nhân tham gia.

Tại Hải Phòng, tính đến giữa tháng 4 đã phát triển 11 nghìn đoàn viên, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024; thành lập 64 công đoàn cơ sở, là minh chứng cho nỗ lực rất lớn của các cấp công đoàn thành phố Cảng trong bối cảnh hiện nay.

Chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Nguyễn Anh Tuân cho biết: Chúng tôi phối hợp cơ quan bảo hiểm xã hội, các cơ quan chức năng, tiến hành rà soát qua nhiều “kênh” nắm chắc số lượng người lao động đóng bảo hiểm xã hội, từ đó xác định sự chênh lệch giữa số lao động thực tế và số đoàn viên trong cùng đơn vị, chú trọng vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Việc này đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có tinh thần trách nhiệm cao, biết tận dụng các mối quan hệ được tạo dựng uy tín qua nhiều năm để có được sự hợp tác từ phía doanh nghiệp và niềm tin của người lao động.

Một nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 12 (khóa XIII) tổ chức tháng 6 vừa qua là: Công tác phát triển đoàn viên không chỉ là chỉ tiêu số lượng mà còn là hành động cụ thể để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, gắn với tham gia xây dựng Đảng, chăm lo quyền lợi người lao động.

Việc tiếp cận doanh nghiệp, vận động thành lập tổ chức công đoàn trong bối cảnh tinh giản bộ máy càng cho thấy bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, vai trò tiên phong của cán bộ công đoàn các cấp, mặc dù nhân lực giảm nhưng khối lượng công việc, trách nhiệm với đoàn viên, người lao động ngày càng tăng lên.

Sau sắp xếp, từ 63 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, còn 34 liên đoàn lao động tương ứng với 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, hơn 1.000 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kết thúc hoạt động.

Tính đến ngày 31/5, cả nước có gần 12,3 triệu đoàn viên công đoàn, sau sắp xếp tổ chức bộ máy, còn hơn 8,6 triệu, giảm hơn 3,66 triệu đoàn viên.

Không để sáp nhập ảnh hưởng nhiệm vụ cốt lõi

Khi không còn công đoàn cấp huyện, Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động công đoàn cơ sở. Đây là thay đổi lớn, đặt yêu cầu rất cao về tính chủ động, linh hoạt của đội ngũ cán bộ công đoàn.

Việc lấy cơ sở làm trung tâm, đoàn viên và người lao động làm chủ thể, cán bộ công đoàn bám sát địa bàn, đồng hành với người lao động là những hành động quan trọng nhất trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ngay sau khi sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị nhanh chóng ổn định tổ chức, phân công cán bộ bám sát cơ sở.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thế Lập cho biết: Từ ngày 1/7, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị (mới) chính thức thành lập. Ngay sau khi nhận quyết định, toàn bộ cán bộ công đoàn nhanh chóng di chuyển về trung tâm hành chính tỉnh mới để bắt tay vào công việc. Tại cuộc họp khẩn đầu tiên, chúng tôi quán triệt tinh thần làm việc nghiêm túc, không để việc sáp nhập ảnh hưởng đến nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức, nhất là trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; chú trọng phân công cán bộ theo từng cụm địa bàn.

Ở những địa bàn xa trung tâm, khoảng cách địa lý hơn 100km, sẽ có từ hai đến ba cán bộ phụ trách, trong đó bắt buộc có ít nhất một Ủy viên Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia. Bên cạnh ổn định bộ máy, Liên đoàn ưu tiên tập trung vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở mới, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, tổ chức “Bữa cơm Công đoàn”, quan tâm kịp thời các đoàn viên hoàn cảnh khó khăn; nắm chắc tình hình quan hệ lao động ở từng doanh nghiệp phòng ngừa tranh chấp, ngừng việc tự phát.

Sau khi hai tỉnh Long An và Tây Ninh sáp nhập, tổ chức Công đoàn Tây Ninh đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức khi quy mô đoàn viên và người lao động gần như tăng gấp đôi.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Trần Lê Duy chia sẻ: Việc sáp nhập mở ra cơ hội rất lớn để tổ chức Công đoàn Tây Ninh được củng cố, phát triển khi có thêm nguồn lực về con người, kinh nghiệm, và cả cơ hội để tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc quản lý, phân bổ nguồn lực, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên, người lao động một cách đồng đều, thiết thực nhất cũng là thách thức không nhỏ. Chúng tôi ưu tiên ổn định tổ chức, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng hoạt động công đoàn; ứng dụng công nghệ và đổi mới công tác truyền thông.

Hiện, Liên đoàn Lao động triển khai xây dựng hệ thống quản lý đoàn viên điện tử đồng bộ trên toàn tỉnh, đồng thời sử dụng mạng xã hội như một kênh hiệu quả để tăng cường tương tác, lan tỏa thông tin nhanh chóng đến các cấp cơ sở.

Việc sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, đòi hỏi tổ chức công đoàn thành phố mang tên Bác phải có những bước chuyển mình sâu rộng để chăm lo khoảng 2,2 triệu đoàn viên.

Để chủ động quản lý, nắm chắc tình hình địa bàn mới, Liên đoàn Lao động thành lập chín tổ công tác quản lý địa bàn, có nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn hoạt động công đoàn tại từng khu vực cụ thể; hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động công đoàn phường, xã, đặc khu; ưu tiên triển khai một số nhóm giải pháp cụ thể nhằm đồng hành thực chất, hiệu quả hơn với người lao động, tập trung vào ba trụ cột chính: Đời sống-việc làm-an sinh xã hội.

Còn đối với công đoàn thành phố Cần Thơ, nhiệm vụ đầu tiên không phải là “điều hành từ trên xuống”, mà là giữ mạch kết nối từ cơ sở.

Người đứng đầu công đoàn thành phố cho biết: Sau hợp nhất ba tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, tổ chức công đoàn bắt đầu bằng việc dựng lại bản đồ công đoàn theo cụm ngành nghề, cụm sản xuất, khu nhà trọ, thay vì rập khuôn địa giới hành chính.

Cách làm này giúp cán bộ công đoàn tiếp cận nhanh hơn, nhất là ở các khu vực trước đây bị “bỏ quên” như xưởng nhỏ, nhà trọ tự phát, tổ hợp tác phi chính thức. Cách sắp xếp mới giúp tổ chức Công đoàn Cần Thơ tiếp cận tất cả công nhân trong bán kính 3km tính từ mỗi cụm. Mục tiêu là tăng khả năng phản ứng nhanh, điều phối chính sách sát thực tế, hỗ trợ công nhân hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm

back to top