Lúng túng trong xử lý
Trao đổi với chúng tôi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cho biết, thực hiện Chỉ thị 447/CT-TTg, ngày 25-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi ảnh hưởng đến an toàn đê điều, trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm pháp luật về đê điều; trong đó mới xử lý được hơn 2.000 vụ.
TP Hà Nội là địa phương có hệ thống đê điều lớn, với hơn 626km đê các loại, chính vì vậy số vụ vi phạm trên địa bàn cũng xảy ra rất nhiều nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 2.222 vụ vi phạm, song hiện vẫn còn khoảng 1.600 vụ chưa xử lý được, Chi cục trưởng Đê điều và PCLB Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết, do chiều dài đê quá lớn, áp lực xây dựng, áp lực dân số ngày càng tăng, dẫn đến những vi phạm... Hơn nữa, sau một thời gian dài trên địa bàn không có lũ lớn, cho nên dẫn đến tâm lý chủ quan, buông lỏng quản lý trong phòng, chống lũ, lụt. Mặt khác, sự phối hợp của chính quyền với các cơ quan quản lý đê điều còn khá lỏng lẻo đã dẫn đến việc vi phạm phát sinh nhiều nhưng chỉ xử lý được ít. Còn tại tỉnh Bắc Ninh, từ năm 2007 đến nay, đã xảy ra 1.767 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, chủ yếu là xây dựng nhà cửa, công trình phụ, tường rào, làm lều quán vi phạm mặt, mái đê và hành lang bảo vệ đê; tập kết nguyên vật liệu, đổ rác thải trên đê, dùng xe có tải trọng lớn chuyên chở vật liệu đi trên đê gây hư hỏng mặt đê...
Chúng tôi về huyện Yên Phong (Bắc Ninh), đi dọc tuyến đê dễ dàng nhận thấy nhiều nhà cao tầng đang được xây dựng và đã hoàn thiện trên hành lang bảo vệ đê. Chi cục trưởng Đê điều và PCLB Bắc Ninh Đàm Phương Bắc cho biết, việc xử lý vi phạm Luật Đê điều đối với các trường hợp vi phạm là các công trình nhà ở kiên cố tại các khu vực đê đi qua làng cổ, khu đô thị rất khó khăn, do nhiều trường hợp vi phạm đã tồn tại qua nhiều năm, cho nên muốn xử lý phải di dời, giải tỏa nhiều hộ dân, thậm chí cả làng, cả xã cho nên rất tốn kém về kinh phí và quỹ đất tái định cư.
Khảo sát thực tế tại tỉnh Bắc Giang, nhận thấy công tác xử lý các vi phạm về đê điều cũng gặp nhiều khó khăn. Chi cục trưởng Thủy lợi Bắc Giang Lê Thành Chung cho biết, công tác xử lý các vi phạm về đê điều trên địa bàn còn nhiều lúng túng. Nguyên nhân là do tỉnh hiện có khoảng 50 km đê đi qua các làng cổ, một số đoạn đê đi qua khu dân cư. Khi thực hiện Luật Đê điều, mở rộng hàng lang bảo vệ đê thì xảy ra tình trạng đê lấn nhà, dẫn đến nhà người dân tồn tại từ bao đời nay trở thành các công trình vi phạm. Thêm vào đó, khi giải phóng mặt bằng, Nhà nước chỉ đền bù phần thi công công trình. Các công trình còn lại nằm trong hành lang đê, cho nên việc lập biên bản và giải quyết vi phạm rất khó khăn. Mặt khác, hệ thống các văn bản pháp lý nhà nước liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất dẫn đến việc cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với các quy định của Luật Đê điều, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng, như đất trong hành lang bảo vệ đê vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Giải pháp phải sát thực tế
Lý giải về tình hình vi phạm Luật Đê điều vẫn hết sức phức tạp, Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi Trần Quang Hoài chia sẻ, do chính quyền địa phương một số nơi còn buông lỏng quản lý; chưa thực hiện trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm một cách kiên quyết, dứt điểm; việc giao, cho thuê đất, cấp phép cho các hoạt động liên quan ở khu vực bãi sông, ven đê và công tác quản lý chưa chặt chẽ; một số địa phương, cơ quan còn cho phép thực hiện các hoạt động không đúng thẩm quyền. Một số địa phương ký hợp đồng với các đơn vị, cá nhân cho nên xảy ra các hành vi vi phạm như tập kết, trung chuyển vật liệu trên bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép, gây cản trở khả năng thoát lũ và mất an toàn cho hệ thống đê điều. Mặt khác, việc quản lý cấp quyền sử dụng đất không xem xét đến Luật Đê điều, dẫn đến tình trạng nhà dân có đầy đủ giấy tờ lại nằm trong hành lang bảo vệ đê, cho nên công tác xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp, ngành còn chưa chặt chẽ trong thực hiện trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm; nhiều nơi chính quyền địa phương các cấp còn ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ý thức chấp hành pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt bão của một bộ phận dân cư còn hạn chế; một số doanh nghiệp vì lợi ích đã cố tình vi phạm pháp luật.
Những năm gần đây, do kinh tế phát triển mạnh cho nên nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao gây ảnh hưởng đến hệ thống công trình đê điều, trong đó điển hình là tình trạng khai thác đất, cát, sỏi và lập trái phép các bến bãi chứa vật liệu, sử dụng xe quá tải đi trên đê... gây ảnh hưởng lớn đến an toàn đê điều, thoát lũ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác, nạo vét luồng lạch được thực hiện dưới nước nên rất khó kiểm tra, quản lý. Lực lượng, phương tiện, thiết bị phục vụ quản lý, kiểm tra còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng manh động, chủ yếu hoạt động vào ban đêm cho nên việc xử lý rất khó khăn và nguy hiểm. Thực trạng công trình nằm trong hành lang bảo vệ đê là vấn đề phổ biến tại nhiều địa phương, trong đó phần lớn là các công trình đã được xây dựng từ trước khi có Luật Đê điều, đã được cấp quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, việc di dời khó khăn, do kinh phí địa phương hạn chế.
Sau 10 năm thực hiện, Luật Đê điều đã bộc lộ nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế cuộc sống. Chính vì vậy, đây là thời gian để các địa phương có những kiến nghị để sửa đổi, bổ sung nhằm kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, ổn định đời sống người dân nhưng vẫn bảo đảm an toàn các tuyến đê. Mặt khác, các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đê điều và phòng, chống lụt bão, phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn. Các vụ vi phạm cần được xử lý kiên quyết, dứt điểm và nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cần đầu tư kinh phí hằng năm để hỗ trợ di dời nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và trong hành lang thoát lũ, theo quy định tại Luật Đê điều.