Bình Phước phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng

Phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, giao thông liên vùng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy du lịch, giao lưu văn hóa và nâng cao đời sống của người dân ở các khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Bình Phước mở rộng tuyến ĐT 753 kết nối với tỉnh Đồng Nai.
Bình Phước mở rộng tuyến ĐT 753 kết nối với tỉnh Đồng Nai.

Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước tập trung phát triển hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, liên vùng thông suốt. Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay, tỉnh có hơn 8.898 km đường giao thông, tỷ lệ nhựa hóa đạt 84%.

Trong đó, có ba tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 239 km; 15 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 544 km; 1.021 km tuyến đường huyện và 419 km đường đô thị, còn lại là đường tuần tra biên giới, liên xã…

Các tuyến giao thông đã góp phần quan trọng trong kết nối Bình Phước với vùng Tây Nguyên và các tỉnh đầu tàu kinh tế của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương; với nước bạn Campuchia thông qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lưu (thuộc địa phận huyện Lộc Ninh).

Đầu năm 2025, tỉnh động thổ dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành với chiều dài đoạn đi qua tỉnh khoảng 6,6 km, vận tốc thiết kế từ 100 đến 120 km/giờ, tổng mức đầu tư 1.474 tỷ đồng.

Tiếp đó, cuối tháng 4/2025, tỉnh động thổ dự án cao tốc Bắc-Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) với chiều dài hơn 101 km, tổng mức đầu tư 19.965 tỷ đồng.

Đây là những dự án trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, tạo không gian, động lực phát triển mới cho các vùng; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản…

Qua đó, góp phần từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Trong 5 tỉnh giáp ranh (Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Đắk Nông và Lâm Đồng) thì đến nay chỉ duy nhất Bình Phước chưa có tuyến đường liên thông trực tiếp với tỉnh Đồng Nai.

Đây là một trong những “nút thắt” liên kết vùng, nhất là trong giai đoạn tỉnh Đồng Nai đang có nhiều công trình trọng điểm quốc gia như Sân bay quốc tế Long Thành và một số tuyến đường kết nối cảng Cái Mép- Thị Vải.

Một số doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư lên Bình Phước, nhưng do vướng hạ tầng giao thông kết nối vùng cho nên chưa mặn mà. Điều này làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/ TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bình Phước sẽ sáp nhập với tỉnh Đồng Nai, lấy tên tỉnh Đồng Nai và trung tâm chính trị-hành chính đặt tại thành phố Biên Hòa.

Sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai có diện tích gần 13.000 km2 với quy mô dân số hơn 4,2 triệu người. Để bảo đảm giao thông thông suốt trong nội tỉnh sau sáp nhập, hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai đang nỗ lực kết nối tuyến đường ĐT 753 (phía Bình Phước) và ĐT 761 (phía Đồng Nai) bằng việc xây dựng cầu Mã Đà và xây dựng, mở rộng một số đoạn nhằm tăng lưu thông.

Vừa qua, hai tỉnh đã kiến nghị Chính phủ đầu tư xây dựng cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai-Bình Phước. Phương án được chấp thuận, dự kiến khởi công trong tháng 6 và hoàn thành vào tháng 12/2025.

Khi tuyến giao thông này hoàn thành sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho hai tỉnh, nhất là Bình Phước sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, thúc đẩy du lịch, dịch vụ và phát triển kinh tế-xã hội. Sau khi sáp nhập, người dân di chuyển đến trung tâm hành chính để làm các thủ tục cũng thuận tiện hơn.