Nỗ lực của ngành y tế
Đây là nỗ lực của ngành y tế tỉnh Bình Thuận trong bối cảnh tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca mắc sởi, ho gà, cúm trên cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Bình Thuận ghi nhận hơn 1.600 ca nghi mắc sởi. Riêng tháng 3/2025, tỉnh ghi nhận 320 ca nghi mắc sởi, giảm 13,7% so với tháng 2 và chưa có trường hợp dương tính.
![]() |
Nhiều người chờ tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi. |
Hiện nay, độ tuổi mắc bệnh sởi bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau thời điểm kết thúc chiến dịch tiêm. Tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi nhưng lại gia tăng ở nhóm trẻ trên 10 tuổi. Trong đợt 3, ngành y tế tập trung tiêm vắc xin nhóm trẻ em từ 11-15 tuổi, với gần 50.000 đối tượng.
Trong đợt 3 này, tỉnh được cấp 7.300 liều vắc xin sởi được phân bổ đến các trung tâm y tế tuyến huyện. Trước đó, từ ngày 17-31/3, tỉnh tiêm vắc xin sởi tại 341 điểm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và trường học. Sau 2 đợt tiêm, đã có 10.330 trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm, đạt 96,5% và 8.362 trẻ từ 6-10 tuổi được tiêm, đạt 96,7%.
![]() |
Tỷ lệ mắc bệnh giảm ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi nhưng lại gia tăng ở nhóm trẻ trên 10 tuổi. |
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, ngoài các điểm tiêm tại trung tâm y tế của nhà nước, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều địa điểm tiêm chủng tư nhân. Cụ thể, thành phố Phan Thiết có tiêm chủng Bình Thuận, tiêm chủng VNVC…; thị xã La Gi có tiêm chủng FPT Long Châu, tiêm chủng VNVC… Tiêm chủng FPT Long Châu hiện đang triển khai chương trình tiêm ngừa vắc xin sởi miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi, chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa tiêm đủ số mũi theo quy định.
Đặc biệt, kể từ khi Bộ Y tế cho phép triển khai tiêm vắc xin sởi phòng dịch từ 6 tháng tuổi tại các địa phương có nguy cơ cao, các trung tâm tiêm chủng cũng ghi nhận nhiều phụ huynh cho con tiêm vắc xin để kịp thời phòng bệnh. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng tìm hiểu nhiều loại vắc xin sởi kết hợp với loại khác.

Tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch sởi
Tiêm vắc xin biện pháp là tốt nhất
Theo Trung tâm tiêm chủng VNVC Phan Thiết, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, biến chứng phổ biến nhất của sởi là viêm phổi, xảy ra sau khi phát ban hoặc đồng thời trong giai đoạn phát ban, có thể dẫn tới suy hô hấp, nhiễm trùng huyết. Các triệu chứng gồm sốt cao, khó thở, ho dữ dội, đau ngực, chỉ số bạch cầu trong máu tăng cao. Mầm bệnh còn làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ. Ở nhóm trẻ nhỏ mắc các bệnh nền mạn tính, dễ dẫn đến nguy cơ biến chứng viêm phổi nặng, khiến việc điều trị khó khăn. Ở phụ nữ mang thai, mắc sởi có thể gây sảy thai, sinh non hoặc suy dinh dưỡng ở trẻ.
![]() |
Nhiều người đăng ký chờ tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi. |
Bác sĩ Lê Trần Thắng, Trung tâm tiêm chủng VNVC Phan Thiết cho biết, bệnh sởi truyền nhiễm hàng đầu, dễ lây lan qua giọt bắn khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Một người bệnh sởi có thể lây cho 12-18 người. Bệnh cũng lây gián tiếp khi người khỏe mạnh chạm vào các vật dụng dính vi rút sởi sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Hầu hết những người chưa có miễn dịch như chưa từng tiêm vắc xin sởi, chưa từng mắc bệnh đều có thể bị lây sởi nếu tiếp xúc nguồn lây. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả lên 98% và tiết kiệm nhất. Hiện có nhiều loại vắc xin phòng sởi gồm vắc xin sởi; vắc xin phối hợp phòng sởi-rubella; vắc xin phối hợp phòng sởi-quai bị-rubella... Người lớn không nhớ rõ lịch sử chủng ngừa cần tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin sởi cách nhau tối thiểu 1 tháng.
![]() |
Phụ huynh đưa con em đến tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi. |
Ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, công tác điều tra, rà soát đối tượng còn chậm do phải đối chiếu tiền sử tiêm chủng của trẻ; phần lớn người lớn tuổi đều làm mất sổ tiêm chủng. Bên cạnh đó, trẻ em chưa cập nhật đầy đủ mũi tiêm lên phần mềm Thông tin tiêm chủng quốc gia và hệ thống phần mềm còn thiếu thông tin.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận, ngoài việc chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, người dân cần chú ý các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất và tránh tiếp xúc nơi đông người. Các trường học giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tham gia lập danh sách đối tượng tiêm chủng, triển khai tiêm vắc xin tại trường học; tuyên truyền lợi ích tiêm vắc xin sởi cho giáo viên nhằm vận động phụ huynh đồng ý cho con em tiêm vắc xin. Ngoài triển khai kế hoạch tiêm, Ủy ban nhân dân tuyến huyện cần quản lý đối tượng tiêm chủng bám sát với tình hình thực tế tại địa bàn, không bỏ sót đối tượng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, tỷ lệ tiêm chủng thấp.