BRICS thông qua đề xuất cải cách IMF

Ngày 6/7, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã khai mạc tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil.

Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS tại Rio de Janeiro. (Ảnh BRICSWOMEN.COM)
Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS tại Rio de Janeiro. (Ảnh BRICSWOMEN.COM)

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nước thành viên BRICS dự kiến tập trung thảo luận phương hướng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, trí tuệ nhân tạo, biến đổi khí hậu... Brazil - nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025, kỳ vọng các thỏa thuận đạt được tại hội nghị năm nay sẽ góp phần giải quyết những thách thức của các nền kinh tế mới nổi trong nỗ lực phát triển bền vững.

Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính của các quốc gia thuộc BRICS đưa ra đề xuất chung về việc cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong đó có việc phân bổ lại quyền biểu quyết. Đây là lần đầu BRICS đạt đồng thuận về lập trường chung trong vấn đề cải cách IMF. Các Bộ trưởng tuyên bố sẽ ủng hộ đề xuất cải cách nêu trên tại cuộc họp của IMF, diễn ra vào tháng 12 tới. Cuộc họp dự kiến tập trung thảo luận việc điều chỉnh hạn ngạch xác định mức đóng góp và quyền biểu quyết của mỗi thành viên.

Tuyên bố của các Bộ trưởng Tài chính BRICS nêu rõ: Việc điều chỉnh hạn ngạch cần phản ánh vị trí tương đối của các thành viên trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ phần hạn ngạch của các thành viên nghèo nhất. Theo đó, BRICS đề xuất lập công thức mới dựa trên giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), sức mua và giá trị tương đối của các đồng tiền, qua đó giúp tăng quyền biểu quyết cho các nước đang phát triển.

Các Bộ trưởng BRICS đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ cách thức lựa chọn, tăng cường tính đại diện của khu vực trong Ban Điều hành IMF. Vị trí Tổng Giám đốc IMF lâu nay luôn thuộc về một người châu Âu. Ngoài ra, các Bộ trưởng Tài chính BRICS cũng xác nhận đang thảo luận nhằm thiết lập một cơ chế bảo lãnh mới do Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS hỗ trợ, nhằm giảm chi phí huy động vốn và thúc đẩy đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển.

Có thể bạn quan tâm

back to top