Cổng chính khu di tích thuộc đường Điện Biên Phủ (Phường 3), kề bên dòng sông Bạc Liêu. Hiện nay đơn vị quản lý và khai thác du lịch vẫn đang tiếp tục triển khai xây dựng, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện và chưa đồng bộ. Tuy vậy, tòa nhà của gia đình “Công tử Bạc Liêu” một thời vẫn nổi bật với kiến trúc tuyệt đẹp, hài hòa từng hình khối và mầu sắc, đúng như dân gian lưu truyền là cơ ngơi hoành tráng và xa hoa bậc nhất miền nam những năm đầu thế kỷ trước.
Theo lời hướng dẫn viên, tòa nhà được hoàn thành năm 1919, do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Đây là nơi sinh sống của đại gia đình quan Hội đồng Trần Trinh Trạch, sở hữu nhiều đất đai, đồng muối, vàng bạc thời bấy giờ. Trần Trinh Huy, tức cậu Ba Huy, người con trai thứ 2 của ông chính là “Công tử Bạc Liêu” nức tiếng ăn chơi trong thơ ca, hò vè, phim ảnh. Tuy công trình theo phong cách phương Tây nhưng nội thất bên trong đậm đà bản sắc phương Đông với tông mầu vàng và trắng, các chi tiết và hoa văn cầu kỳ, tỉ mỉ. Nhiều món đồ mỹ nghệ có giá trị được bảo tồn khá tốt, dù nhuốm màu thời gian nhưng vẫn tinh xảo và sang trọng, như bộ trường kỷ từ gỗ nguyên khối, bộ tượng bành, giường ngủ khảm xà cừ, đĩa men sứ cổ, máy phát nhạc. Ảnh chân dung từng thành viên trong gia đình cũng rất sắc nét, mỗi khi qua một căn phòng, cô thuyết minh lại kể một câu chuyện liên quan. Với hậu thế, huyền thoại “Công tử Bạc Liêu” Ba Huy chỉ là dĩ vãng, nhưng cũng phần nào lưu giữ ký ức một thuở vàng son và thể hiện tính cách hào sảng, phóng khoáng của con người nơi đây.
Rời nhà Công tử Bạc Liêu, tôi rảo bước trên con đường cạnh đó và nhận ra chung quanh còn có rất nhiều tòa nhà, biệt thự lớn nhỏ xây kiểu Pháp với vẻ đẹp cổ kính, ghi dấu ấn một thời kỳ lịch sử. Buổi tham quan hôm ấy đã kết thúc thật trọn vẹn tại nhà hàng mang tên “Công tử Bạc Liêu”, với những món ngon đặc sản của xứ đờn ca.