Thực trạng chuyển đổi số tại doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội
Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng; đại diện cho sự thay đổi trong cách quản lý, quy trình, thủ tục và văn hóa dựa trên nền tảng kỹ thuật số, nhằm mục tiêu gia tăng hiệu quả.
Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân khẳng định, chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.donha
Tuy nhiên, theo bà Ngân, công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế và hiệu quả đạt được vẫn thấp. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của chuyển đổi số và chưa xác định được vấn đề cũng như lộ trình cần thực hiện để chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, lĩnh vực kế toán được thực hiện chuyển đổi số mạnh nhất, với gần 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên.
Về vấn đề nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi một nguồn lực tài chính đáng kể và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn đầu tư vào chuyển đổi số.
Hơn 45 % doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số.
![]() |
Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Trịnh Thị Ngân. |
Giải pháp, công tác hỗ trợ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, bà Trịnh Thị Ngân đã đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số có thể được thực hiện thông qua các biện pháp và chương trình như khoản vay ưu đãi: Chính phủ có thể cung cấp chương trình cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đầu tư vào công nghệ số.
Những khoản vay này giúp giảm gánh nặng tài chính ban đầu; hỗ trợ tài chính trực tiếp như: Các chính quyền địa phương và tổ chức tài chính có thể cung cấp tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp để họ triển khai dự án chuyển đổi số, từ việc mua sắm thiết bị đến triển khai hệ thống; Chính sách thuế ưu đãi: Chính phủ có thể thiết lập các chính sách thuế ưu đãi, thí dụ như miễn thuế hoặc giảm thuế đối với các hoạt động và đầu tư liên quan chuyển đổi số. Điều này giúp giảm áp lực tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình hỗ trợ và đào tạo: Cung cấp chương trình đào tạo và hỗ trợ để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nắm vững các kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Thứ hai, để đẩy mạnh chuyển đổi số và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần thực hiện một số biện pháp cụ thể như cải thiện phát triển môi trường thể chế và pháp lý. Điều này bao gồm việc ban hành các quy định hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động chuyển đổi số. Cụ thể là xây dựng quy hoạch và quy chuẩn: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần phải xây dựng và công bố quy hoạch về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cần phát hành các quy chuẩn để trao đổi thông tin giữa các cơ quan và đơn vị, nhằm bảo đảm sự liên kết và đồng bộ trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng chuyển đổi số;
Thứ ba, cần phát triển hạ tầng số và mạng di động 5G. Trong tương lai, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục phát triển hạ tầng số, đặc biệt là triển khai mạng di động 5G, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi số và bảo đảm kết nối nhanh chóng và hiệu quả;
Thứ tư, cần hỗ trợ và đào tạo chuyển đổi số. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần hỗ trợ và đào tạo các chuyên gia chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này có thể bao gồm việc hình thành và tổ chức mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo và tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Thứ năm, phát triển gói hỗ trợ. Thành phố Hà Nội cần xây dựng các gói hỗ trợ chuyển đổi số, bao gồm hướng dẫn và giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau, tùy theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề.
Về công tác hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn thành phố, bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thông tin: Sau khi kế hoạch được ban hành, Trung tâm đã hoàn thành xây dựng, thiết lập phần mềm thu thập, đánh giá, phân tích, xử lý thông tin để cung cấp các công cụ, tài liệu, giải pháp về chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.
Trung tâm cũng xây dựng và vận hành chuyên trang Youtube “Chuyển đổi số Hà Nội-SCE”, đăng tải các video truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đạt gần 10.000 lượt đăng ký theo dõi, với 134 video được đăng tải; xây dựng 68 video phóng sự đăng tải trên các kênh truyền hình, 293 bài viết trên các trang báo điện tử tuyên truyền phổ biến các chương trình của Chính phủ và thành phố về chuyển đổi số…
Đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới Hà Nội sẽ bố trí ngân sách ổn định để bảo đảm công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được đồng bộ, liên tục và hiệu quả.