Campuchia khánh thành đài tưởng niệm các nạn nhân chế độ Khmer Đỏ

NDĐT - Đài tưởng niệm có khắc dòng chữ “không bao giờ chúng ta quên những tội ác dưới chế độ Campuchia Dân chủ (chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - PV)” đã được khánh thành ngày 26-3 trong khuôn viên Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng ở thủ đô Phnom Penh.

Đài tưởng niệm nằm trong Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng từng là nhà tù an ninh S21 khét tiếng tàn bạo dưới thời Khmer Đỏ. (Ảnh: Cambodia Daily)
Đài tưởng niệm nằm trong Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng từng là nhà tù an ninh S21 khét tiếng tàn bạo dưới thời Khmer Đỏ. (Ảnh: Cambodia Daily)

Đức là nhà tài trợ chính cho việc xây dựng đài tưởng niệm này. Phát biểu ý kiến tại lễ khánh thành, Đại sứ Đức tại Campuchia J. B. von Marschall đã kêu gọi giới trẻ Campuchia ít do dự hơn trong việc lên tiếng công khai quan điểm của mình về thời Khmer Đỏ, và nhấn mạnh Campuchia đã trải qua một thời kỳ rất đen tối.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Campuchia Sok An bác bỏ những chỉ trích cho rằng chính phủ nước này can thiệp vào công việc của Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC). Ông Sok An cho biết, Chính phủ Campuchia tiếp tục hợp tác với Liên hợp quốc trong các vụ xét xử 003 và 004, trong đó hai kẻ tình nghi gồm cựu Tư lệnh Hải quân Khmer Đỏ Meas Muth và Im Chaem, một nữ quan chức cấp quận trong chính quyền Khmer Đỏ quản lý một trại lao động khổ sai, bị cáo buộc vắng mặt phạm các tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng. Tuy nhiên, theo ông Sok An, những lời cáo buộc này do vị thẩm phán quốc tế của ECCC đưa ra mà không có sự hợp tác của thẩm phán bên chính quyền Campuchia.

Ông Sok An nói: “Các thẩm phán đã có những ý kiến khác nhau. Đây là công việc nội bộ mà họ phải giải quyết, Chính phủ Campuchia không can thiệp”.

Các cáo buộc trên do thẩm phán quốc tế Mark Harmon đưa ra vào ngày 3-3 vừa qua, phải được sự chấp thuận của các thẩm phán cấp cao tại ECCC trước khi hai nghi phạm chính thức bị đưa ra xét xử. Người phát ngôn của ECCC Lars Olsen cho biết, quyết định chính thức buộc tội hay hủy bỏ các cáo buộc đối với hai trường hợp trên sẽ được đưa ra vào năm 2016.

Sau lời cáo buộc của thẩm phán Mark Harmon, phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh quốc tế Liên hợp quốc ở Phnom Penh về vấn đề chống nạn diệt chủng, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cảnh báo về nguy cơ nội chiến có thể xảy ra tại nước này khi ECCC để cho việc điều tra các vụ việc đi quá xa như hiện nay, không loại trừ khả năng lính Khmer Đỏ cũ sẽ phát động một cuộc nội chiến. Ông Hun Sen nói: "Nhiều người gần như phải trốn trong rừng để tránh tòa án. Đây là sự thật. Nhưng tòa án vẫn tiếp tục mở rộng điều tra. Tôi cho rằng giá trị hòa bình và mạng sống con người cần phải được tòa án xem xét".

Lời phát biểu này của người đứng đầu Chính phủ Campuchia đã bị một số tổ chức chỉ trích là can thiệp vào công việc của ECCC.

Tại lễ khánh thành nói trên, người phụ trách an ninh tại ECCC, ông Mao Chandara cho biết tuy đã nhận được yêu cầu từ thẩm phán Mark Harmon cách đây hơn một tháng về bắt giữ Meas Muth và Im Chaem, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành. Bởi vì, theo ông Chandara, lực lượng an ninh đã đề nghị các thẩm phẩm cho họ thêm thời gian nghiên cứu việc này và thêm nữa, vị thẩm phán bên phía Campuchia chưa ký vào lệnh bắt giữ này.

ECCC được Liên hợp quốc bảo trợ, thành lập từ năm 2006 với mục đích tìm lại công lý cho hơn hai triệu nạn nhân bị sát hại dưới chế độ Khmer Đỏ tại Campuchia.

Năm 2010, ECCC đã tuyên án tù chung thân đối với Kaing Guek Eav, biệt danh Duch, cựu Giám đốc nhà tù Toul Sleng phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Tháng 8-2014, ECCC đã tuyên án tù chung thân đối với hai bị cáo Khieu Samphan, 83 tuổi và Nuon Chea, 88 tuổi, vì phạm tội ác chống lại loài người, liên quan việc cưỡng ép người dân sơ tán về các trại tập trung lao động ở nông thôn và tàn sát. Phán quyết này được đưa ra sau quá trình xét xử kéo dài hai năm, từ tháng 11-2011 đến cuối tháng 10-2013. Hai bị cáo đã kháng án.

Hiện hai bị cáo này đang trong quá trình bị xét xử ở phiên tòa thứ hai, tập trung vào các cáo buộc sát hại cộng đồng thiểu số người Việt và người Hồi giáo dân tộc Chăm, cưỡng hôn và hiếp dâm.

Có thể bạn quan tâm

back to top