Yêu cầu bức thiết nhưng vướng cơ chế
Báo cáo công tác thi hành án tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cho thấy, năm 2024, toàn ngành tòa án xét xử khoảng 10 nghìn vụ/13 nghìn vụ án hành chính đã thụ lý, tăng 847 vụ so với năm 2023. Chỉ tính riêng tại tỉnh Đồng Nai, Tòa án nhân dân hai cấp tại đây cũng giải quyết gần 180 vụ/hơn 400 vụ án hành chính đã thụ lý. Những con số này cho thấy phần nào nhu cầu pháp lý đại diện giúp chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước tham gia các hoạt động tố tụng.
Khi phải tham gia các vụ án hành chính tại tòa, chính quyền địa phương nhiều nơi thường giao cho cán bộ phòng hành chính-tư pháp làm đại diện theo ủy quyền.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh Đặng Bá Bắc chia sẻ: “Cán bộ tư pháp không phải cái gì cũng biết, nhất là khi quy trình tố tụng kéo dài. Nếu họ không được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức như luật sư thì không thể đáp ứng yêu cầu. Ngay cả luật sư tham gia đại diện cũng không thể đưa ra quyết định thay cho chính quyền được”.
Khi giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, tố cáo kéo dài, chính quyền địa phương đều phải nhờ Đoàn Luật sư tỉnh cùng tham gia. “Chỉ có dân với chính quyền thì dân không nghe, họ muốn có sự tham gia của Đoàn Luật sư để tư vấn pháp lý và giải đáp các yêu cầu, thắc mắc. Không chỉ vậy, luật sư còn tư vấn về chính sách và đề xuất các phương án giải quyết cho cả chính quyền”, ông Bắc cho biết.
Kinh tế phát triển, nhiều dự án kinh tế xã hội ở trung ương và địa phương, đặc biệt là các dự án liên quan đến ODA, ngân sách nhà nước ra đời; cùng với đó là sự gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp của các giao dịch cũng như tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế trong đó một bên là Chính phủ Việt Nam hoặc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước. Và tất nhiên kéo theo sự ra đời của các hợp đồng pháp lý giải quyết tranh chấp, song hầu hết lại là do luật sư… ngoại đảm nhận.
Năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thuê luật sư nước ngoài để làm việc với phía Mỹ sau khi Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cáo buộc tôm nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất tôm nội địa của Mỹ. Chẳng riêng gì các hiệp hội mà ngay Bộ Tư pháp khi đại diện tư vấn cho Chính phủ để giải quyết tranh chấp pháp lý cũng phải thuê công ty luật nước ngoài tư vấn.
Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về cơ chế, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành chính sách rõ ràng thu hút, đào tạo nâng cao để luật sư tham gia vào các công việc của Nhà nước, như: tư vấn chính sách, phản biện pháp luật, đại diện trong các vụ kiện liên quan lợi ích công,...
Các văn bản vẫn chủ yếu mang tính định hướng hoặc khuyến khích chung, thiếu ràng buộc pháp lý hoặc chưa có tính chế tài, “trống” cơ chế tài chính dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, thiếu thống nhất.
Mô hình nào cho luật sư công?
Bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào xây dựng được chế định cụ thể để các luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, hay còn gọi là chế định luật sư công? Theo ý kiến của luật sư Trần Tuấn Phong, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế Liên đoàn Luật sư Việt Nam, không có khái niệm luật sư công ích mà là luật sư công là luật sư của Nhà nước, của Chính phủ, còn luật sư tư là luật sư của thị trường. Phải xác định rõ phạm vi hành nghề của họ cũng như các điều kiện, năng lực để đại diện cho Nhà nước.
![]() |
Luật sư tham gia bào chữa tại một phiên toà ở toà án nhân dân thành phố Hà Nội. |
Đề xuất mô hình huy động đội ngũ luật sư bảo vệ lợi ích công phù hợp tình hình Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang Trần Văn An cho rằng, có thể tận dụng đội ngũ luật sư công từ chính cán bộ, công chức, viên chức làm pháp chế trong các cơ quan nhà nước; tuyển dụng đội ngũ luật sư hiện nay vào biên chế và xây dựng chế định luật sư công, hoặc Nhà nước thuê luật sư thực hiện và có trả thù lao.
Tuy nhiên, “nếu tuyển dụng luật sư vào công chức có thể làm tăng chi phí, tăng biên chế và điều này không phù hợp tinh thần tinh gọn hiện nay. Chúng ta có thể tận dụng đội ngũ luật sư, đội ngũ pháp chế có sẵn nhưng quan trọng “đầu vào” của luật sư công trước tiên phải bảo đảm điều kiện của luật sư. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để huy động luật sư tư làm việc công”, luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm.
Dù là mô hình nào thì vấn đề quan trọng vẫn là bảo đảm về “chất” để luật sư đủ sức “gánh” các vụ kiện đại diện cho Nhà nước, Chính phủ. Thực tế chất lượng của luật sư hiện nay chưa thật sự đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập quốc tế, cải cách tư pháp.
Nên chăng chúng ta có chính sách đào tạo, sử dụng luật sư giỏi để hỗ trợ Chính phủ, cơ quan nhà nước giải quyết các tranh chấp pháp lý. Việc sử dụng này không nhất thiết phải đào tạo, trả lương như công chức mà cần tuyển chọn, bồi dưỡng họ có đủ năng lực và khi cần thiết thì ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với họ.
Đây là cách giải quyết phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán cân đối giải pháp phù hợp thực tiễn, xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể hoạt động dịch vụ pháp lý công để luật sư “nội” tự tin trong các vụ kiện “ngoại” chứ không chỉ là việc “khoác thêm tấm áo mới”.