Hiện tượng rau củ, nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ không còn là chuyện mới ở Bến Tre hay các địa phương khác. Nguyên nhân chính do giá rau xuống thấp, thương lái tiêu thụ ít, hoặc không mua. Ðiều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người trồng rau và gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Ðáng nói là nếu như “giải cứu” trước đây chỉ là giải pháp tình thế, thì hiện nay, “giải cứu” đang trở thành một “phản xạ”, thói quen, lối mòn thúc thủ, ở khắp mọi nơi, từ năm này qua năm khác, với rất nhiều loại nông sản khi có dư thừa trong tiêu thụ và với tần suất ngày càng dày hơn.
Ðiều đáng quan tâm là tại sao một nước nông nghiệp nhiệt đới, có nhiều nông sản xuất khẩu đứng đầu thế giới như nước ta lại thường xuyên phải “giải cứu” nông sản? Nguyên nhân chính là người dân còn sản xuất nông nghiệp tự phát, theo phong trào với tư duy “thích gì trồng nấy” , từ đó phá vỡ quy hoạch, không theo quy luật cung cầu của thị trường, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, hoặc ế ẩm, khó tiêu thụ khi vào mùa thu hoạch.
Ðó là chưa kể, nhiều nơi, người dân vẫn duy trì sản xuất truyền thống, sử dụng phân bón, thuốc hóa học… dẫn đến rau không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng. Hệ quả là người tiêu dùng dần quay lưng lại với rau địa phương, chuyển sang tìm đến các sản phẩm rau nhập khẩu hay đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Thực tế cho thấy, trong khi giá rau tại ruộng của nông dân thấp, tại các điểm bán rau an toàn, rau sản xuất theo chuẩn hữu cơ giá khá cao. Hiện nay, tại nhiều cánh đồng rau, nông dân chỉ tập trung sản xuất từ vụ này đến vụ khác mà không nắm bắt thông tin về thị trường, diện tích, sản lượng rau các loại...
Khi diện tích rau ngày càng tăng, sức tiêu thụ có hạn đã dẫn đến cung vượt cầu. Người nông dân lam lũ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng tới ngày thu hoạch phải xót xa nhìn nông sản đổ bỏ ngoài đồng, chịu cảnh thua lỗ... Tình trạng như vậy tiếp diễn trong nhiều năm qua nhưng người dân không còn cách nào khác cho nên vẫn tiếp tục sản xuất bất chấp rủi ro.
Mặc dù, khi nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ, các tổ chức, cá nhân đều chung tay “giải cứu”, tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tính cấp bách, tình thế, không thể giải quyết triệt để vấn đề. Vì vậy, cần thiết phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ để giúp người nông dân thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá”, ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo đó, Nhà nước cần quy hoạch vùng sản xuất rau hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng vùng, từng địa phương, tránh tình trạng trồng ồ ạt, tự phát, dẫn đến cung vượt cầu. Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn nông dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ðồng thời, đa dạng hóa các kênh tiêu thụ; cung cấp thông tin thị trường đầy đủ, kịp thời cho nông dân, giúp họ nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, lựa chọn loại rau phù hợp để trồng. Ngoài ra, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hình thành chuỗi giá trị là điều rất quan trọng để người trồng rau, doanh nghiệp và nhà phân phối cùng tạo ổn định cho sản phẩm rau, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Khi đó, người nông dân, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản rau, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Từ đó, sản phẩm rau sẽ được sản xuất theo quy trình an toàn, có chứng nhận chất lượng, có thương hiệu để hướng đến phát triển bền vững trong tương lai.