Chiều 20/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Cần thiết bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Chính phủ đề xuất tăng thêm một hình phạt chính, đó là hình phạt tù chung thân không xét giảm án để phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái), việc bổ sung hình phạt trên là phù hợp với xu hướng quốc tế và chủ trương của Đảng, Hiến pháp Việt Nam. Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định "mọi người có quyền sống" và việc hạn chế hình phạt tử hình góp phần thực hiện tinh thần này.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái). (Ảnh: Quochoi.vn) |
“Tù chung thân không xét giảm án vẫn giữ được tính răn đe, đặc biệt nếu kết hợp với chế độ giam giữ nghiêm ngặt. Ngoài ra, việc bỏ tử hình có thể tránh được nguy cơ oan sai - điều mà hình phạt tử hình không thể khắc phục được nếu thi hành sai”, đại biểu nhận định.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần thực hiện thận trọng, có lộ trình và phân tích kỹ từng tội danh để bảo đảm giữ vững hiệu quả răn đe và phòng ngừa; phù hợp với tâm lý xã hội và không ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tù chung thân không xét giảm án là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương) cũng bày tỏ tán thành cao với đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với một số tội danh nghiêm trọng và cho rằng đây là một bước đi phù hợp với tinh thần nhân đạo của pháp luật Việt Nam, đồng thời thể hiện sự chủ động hội nhập với xu hướng tiến bộ của pháp luật quốc tế.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương) phát biểu tại tổ. (Ảnh: BÙI GIANG) |
Theo đại biểu, Việt Nam đang tích cực hội nhập, tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người. Trong bối cảnh đó, việc xem xét bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh không chỉ là hợp lý mà còn là dấu hiệu của một tư duy lập pháp tiến bộ - biết thích nghi với điều kiện thực tiễn và thể hiện bản lĩnh của nhà nước pháp quyền.
Đại biểu phân tích, hình phạt tù chung thân không giảm án nếu được thiết kế và thực thi nghiêm túc hoàn toàn có thể bảo đảm tính nghiêm khắc, tính răn đe và tính trừng phạt tương đương. Hơn thế nữa, việc áp dụng hình phạt tù chung thân thay vì tử hình còn mở ra cơ hội sửa sai và bảo vệ nguyên tắc công lý, nếu trong tương lai có căn cứ mới cho thấy sai sót trong điều tra hay xét xử.
“Bỏ án tử hình không phải là khoan dung với tội phạm, mà là lựa chọn pháp lý phù hợp hơn với quyền con người và cam kết cải cách tư pháp”, đại biểu nhấn mạnh.
Cân nhắc việc bỏ án tử hình đối với tội phạm vận chuyển ma túy
Dự thảo luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành. Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thành Trung bày tỏ thống nhất với cơ quan soạn thảo không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, thay bằng hình thức tù chung thân không giảm án, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, cấm vĩnh viễn tham gia vào bộ máy nhà nước và người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả hoặc hợp tác tích cực với cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc bỏ án tử hình đối với tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy. Theo đại biểu, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta hiện nay vẫn rất phức tạp, mang tính xuyên quốc gia và ngày càng tinh vi với nhiều hình thức buôn bán, vận chuyển mới, số lượng ma túy vận chuyển thường rất lớn, có thể gây nguy hại cho nhiều người. Ngoài ra, tâm lý xã hội vẫn mong muốn giữ tử hình để răn đe.
“Tôi kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc không nên bỏ ngay hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, có thể thu hẹp phạm vi áp dụng: chỉ áp dụng hình phạt tử hình với hành vi đặc biệt nghiêm trọng (khối lượng lớn, tái phạm, tổ chức chuyên nghiệp...)”, đại biểu đề xuất; đồng thời đề nghị tăng cường phân định, làm rõ trách nhiệm giữa người cầm đầu và người bị lợi dụng.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu tại tổ. (Ảnh: TL) |
Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Đoàn thành phố Hà Nội), cũng bày tỏ băn khoăn trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đại biểu cho hay, vừa rồi Quốc hội thông qua Chương trình phòng chống quốc gia về ma túy, trong đó mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm thiểu những hệ lụy của ma túy, thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc giảm vấn nạn ma túy rất quyết liệt.
“Thực tế, ở một số xã miền núi, nhiều người vất vả quá thì nghĩ ngay đến chuyện vận chuyển ma túy từ biên giới sang. Có trường hợp vận chuyển cả tấn thì sao?”, đại biểu đặt vấn đề. Theo đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng vẫn cần giữ khung hình phạt tử hình với tội danh này nhưng có sự phân hóa theo mức độ.
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận), tình hình sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy ở Việt Nam và trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn từ nước ngoài về Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước. Hành vi vận chuyển ma túy có vai trò là mắt xích rất quan trọng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ trái phép ma túy gây hậu quả vô cùng lớn đến xã hội.
![]() |
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) phát biểu tại tổ. (Ảnh: BÙI GIANG) |
“Nếu bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này có thể sẽ làm mất đi tính răn đe, phòng ngừa xã hội, tạo điều kiện về mặt ý chí cho các đối tượng vận chuyển ma túy hoạt động manh động hơn nữa gây rất nhiều khó khăn cho công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy”, đại biểu nêu quan điểm, đồng thời đề nghị cần nghiên cứu quy định theo hướng tùy mức độ phạm tội xử lý, mức cao nhất thì cần giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, nếu Quốc hội thông qua đề xuất bỏ án tử hình đối với các tội danh: vận chuyển trái phép chất ma túy, tham ô tài sản và nhận hối lộ thì cần đi kèm các chính sách bổ sung nhằm bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của pháp luật. Theo đó, cần quy định rõ hình phạt tù chung thân không được giảm án, không đặc xá, không tha tù trước thời hạn đối với các tội danh thay thế cho tử hình, nhằm giữ nguyên tính nghiêm khắc và răn đe.
Dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với các tội danh sau: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Đối với các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy, trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các tội danh về ma túy, đại biểu Việt Nga cho rằng, cần bảo đảm sự toàn diện, khách quan, làm rõ các hành vi, vai trò của từng đối tượng để bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội.
Đặc biệt, cần làm rõ hành vi phạm tội chỉ là hành vi vận chuyển hay còn liên quan đến các hành vi khác thuộc các tội danh khác có mức hình phạt cao hơn như sản xuất hay mua bán trái phép chất ma túy.