Cảnh báo tai nạn điện trong mùa mưa

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ tai nạn điện xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người dân, dấy lên nỗi lo tiềm ẩn về tai nạn điện; kỹ năng phòng tránh và xử lý sự cố, cấp cứu khi xảy ra tai nạn về điện.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Điện lực thành phố Thủ Đức hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn.
Công nhân Công ty Điện lực thành phố Thủ Đức hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn.

Mới đây, Trung tâm cấp cứu 115 của Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thông tin về vụ một nhân viên tại quận Tân Bình bị điện giật bất tỉnh khi đang làm việc tại văn phòng. Thông tin ban đầu cho thấy, nhân viên này trong quá trình sạc điện thoại không phát hiện dây cáp bị đứt, đã chạm vào dây hở và bị điện giật. Nhận được cuộc gọi, các nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 đã hướng dẫn người gọi nhanh chóng ngắt điện, bảo đảm an toàn, đồng thời chỉ dẫn sơ cứu nạn nhân qua điện thoại và điều phối khẩn cấp trạm cấp cứu vệ tinh gần nhất đến hiện trường hỗ trợ. Sau gần năm phút, các nhân viên đã giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Trước đó, nhân viên tổng đài của đơn vị này cũng nhận được tin báo về một trường hợp nam thanh niên 24 tuổi ở huyện Hóc Môn bị điện giật bất tỉnh khi sử dụng điện tại nhà. Mặc dù nhân viên tổng đài đã nhanh chóng triển khai các phương pháp sơ cấp cứu, nhưng nạn nhân đã ngừng tim, ngừng thở. Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong giai đoạn thời tiết đang chuyển vào mùa mưa, các nguy cơ tai nạn về điện luôn tiềm ẩn đối với người dân, cơ sở sản xuất, đáng lo ngại nhất là tình trạng ngã đổ cây xanh, nước ngập dẫn đến rò rỉ và trở thành nguồn dẫn điện...

Trao đổi về các giải pháp phòng tránh tai nạn trong mùa mưa, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Trung Kiên cho biết: Thời gian qua, ngành điện thành phố luôn nỗ lực tuyên truyền đến khách hàng các giải pháp sử dụng điện an toàn, ngăn ngừa và phòng tránh tai nạn điện. Ngành điện khuyến cáo, khi trời mưa lớn các thiết bị điện trong gia đình có thể bị ẩm ướt dẫn đến chập điện cục bộ, gây nên khả năng bị điện giật; đặc biệt các dụng cụ điện cầm tay như máy sấy tóc, máy khoan tường… Đối với các thiết bị sử dụng điện được lắp đặt ngoài trời như bảng hiệu, bảng quảng cáo có thể sẽ bị chạm, chập, rò điện nên khi ngập nước người dân nên cắt hết điện trong nhà để bảo đảm an toàn. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị, dây dẫn điện, nếu có dấu hiệu hư hỏng phải kịp thời sửa chữa, thay thế. Thực hiện lắp các thiết bị đóng cắt chống giật cho toàn bộ ngôi nhà, phòng trọ vì thiết bị này có chức năng tự động phát hiện sự cố rò điện và có khả năng ngắt nguồn điện nhanh. Đồng thời phải lắp thiết bị chống giật hoặc cầu chì ở trước các ổ cắm điện theo từng khu vực để có thể ngắt dòng điện khi có chạm, chập điện. Nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn, ổ cắm, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt. Để phòng tránh các sự cố về điện, người dân, doanh nghiệp không lắp đặt trực tiếp dây điện trên mái tôn hoặc hệ thống sắt thép của mái nhà, vì qua tác động của thời tiết, các lớp cách điện bị xuống cấp sẽ gây rò rỉ điện, gia tăng nguy cơ về tai nạn điện. Trường hợp buộc phải kéo dây trên hoặc gần mái tôn, lò hơi hoặc khu vực có nhiệt độ cao phải tham khảo ý kiến đơn vị chuyên môn tư vấn, thiết kế lắp đặt hệ thống dây điện phù hợp. Công tác kiểm tra, bảo trì phải được thực hiện định kỳ để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, khoảng 70% các vụ cháy, nổ có nguyên nhân từ việc sử dụng điện không an toàn. Đây cũng là một thực trạng đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tổ chức hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn về điện. Ông Bùi Trung Kiên cho biết thêm: Ngành điện đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý khu chung cư, đơn vị chủ quản tiếp tục kiểm tra hệ thống, thiết bị điện tại một số cơ sở, hộ gia đình nhằm kịp thời phát hiện vi phạm về an toàn sử dụng điện; khuyến cáo các nguy cơ có thể xảy ra cháy, nổ và hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các thiết kế, lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện phải bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; lắp đặt, sử dụng thiết bị điện có sinh nhiệt, trong khu vực nhiều chất cháy, môi trường nguy hiểm cháy, nổ phải bảo đảm yêu cầu phòng chống cháy, nổ theo quy định; đối với các thiết bị có công suất lớn như máy lạnh, máy nước nóng, bếp điện phải kiểm tra khả năng mang tải của đường dây dẫn điện để tránh quá tải hệ thống dây dẫn điện; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn cùng một ổ cắm; không sạc điện, pin, sạc dự phòng, điện thoại, máy tính qua đêm khi không có người ở nhà; không dựng lều, hàng quán dưới đường dây điện, hành lang an toàn lưới điện cao áp ■