Đảng viên đi trước...
Đến Khu tập thể A3, tổ 27, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, nơi đầu tiên hình thành và áp dụng mô hình cầu thang văn hóa, cảm giác như bước vào một thư viện thu nhỏ. Trong không gian thoáng đãng, rộng chừng 20 m2, ba bộ bàn ghế dài kê sát mép tường. Trên mặt bàn, hàng loạt báo chí đủ loại được bày ngay ngắn, như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Sức khỏe và Đời sống, Tạp chí Khoa học… Bên trên là bảng tin cùng nhiều bằng khen, giấy khen của chi bộ, tổ dân phố… Đối diện là chiếc tủ kính tập hợp hàng trăm đầu sách, trong đó có cả những cuốn văn học kinh điển. Tiếng cười nói, bàn luận của những người cao tuổi ngồi đọc sách, báo vang lên rộn rã. Giữa bao ồn áo náo nhiệt của cuộc sống thành thị, nhịp thời gian nơi đây cứ trôi đi bình yên, nhẹ nhàng như vậy.
Đại tá Trương Văn Côn (76 tuổi), Bí thư Chi bộ tổ 27 (trước là tổ 35), cho biết, ý tưởng biến chân cầu thang thành điểm giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin là sáng kiến đầy ngẫu hứng của một số cán bộ về hưu ngành quân đội sinh sống ở khu tập thể khi tình cờ cùng ngồi chơi nơi đây. Cũng chính các cụ đã đi vận động, thuyết phục từng hộ gia đình đồng thuận. Khi đó, ông Đoàn Chương (nay 73 tuổi), sẵn nghề thợ mộc đã tình nguyện đóng tặng bàn ghế. Các cán bộ ở khu dân cư có sẵn sách, báo từ cơ quan cũng tình nguyện mang về góp vào quỹ chung. Cụ Hồ Quang Bảo, một trong những người đầu tiên đưa ý tưởng xung phong đứng ra quản lý. Mỗi người một tay quét dọn, thu vén, chỉ sau vỏn vẹn một tuần, đúng ngày 2-9-1999, Cầu thang văn hóa Khu tập thể A3 đã thành hình, đi vào hoạt động. Ông Côn chia sẻ, những thành viên sáng lập mô hình nay tuổi đều cao, có người đã mất, người đang điều trị tại bệnh viện… Nhưng rất may, tâm huyết của họ vẫn được thế hệ sau tiếp nối và phát huy. Từ khi về hưu, được bầu làm Bí thư Chi bộ tổ 35 (nay là tổ 27), trong tất cả các cuộc họp chi bộ, ông Côn đều không quên vận động các đảng viên phát huy vai trò đi đầu trong việc quyên góp để duy trì hoạt động hiệu quả cầu thang văn hóa. Tiếp đó là vai trò của các chi hội, như cựu chiến binh, phụ nữ, khuyến học, chữ thập đỏ…, sau cùng là của các hộ dân. Công tác này ban đầu mất nhiều thời gian, nhưng dần dần, nhiều hộ đã tự nguyện đóng góp tùy tâm theo từng quý, hầu như quý nào cũng vượt mức. 15 năm qua, người dân nơi đây đã ủng hộ hơn 100 triệu đồng; nên ngoài nguồn tư liệu có được từ quyên góp sách, báo, Khu tập thể A3 còn có khoản kinh phí tương đối ổn định để đặt báo hằng ngày, hàng tuần. Từ chỗ chỉ có khoảng năm, sáu đầu báo khi thành lập, giờ đây đã có gần 20 đầu báo được cập nhật thường xuyên; bên cạnh đó là khoảng hơn bốn trăm cuốn sách các loại, trong đó có hàng chục cuốn được nhà văn Tô Hoài gửi tặng. Cầu thang văn hóa còn có cả nội quy, với những đề mục rõ ràng về những việc được làm và không được làm khi sinh hoạt văn hóa. Bên cạnh đó, để bảo đảm không gian nơi đây luôn sạch sẽ, thoáng đãng, lịch vệ sinh dành cho từng hộ dân cũng được phân công theo tuần.
Không còn cảnh “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”
Gặp bà Đào Thị Anh Tuấn (69 tuổi), vợ của Đại tá Trương Văn Côn, cũng là người đang quản lý Cầu thang văn hóa A3, chúng tôi được bà cho xem cuốn sổ nhật ký ghi chép hoạt động của cầu thang, phần đầu vẫn còn bút tích của cụ Hồ Quang Bảo. Sau khi cụ Bảo bàn giao lại việc trông coi vì tuổi cao sức yếu, bà Tuấn là người tiếp tục phụ trách mọi hoạt động của cầu thang, đến nay đã được 11 năm. Vốn là cán bộ công đoàn ngành quốc phòng nên bà đặc biệt có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Hơn chục năm qua, ngày nào cũng vậy, bà đều cần mẫn nhận, xếp báo mới ngay ngắn ra bàn phục vụ bà con đến đọc. Đến cuối ngày lại cẩn thận thu gom và lưu lại. Trung bình mỗi ngày, nơi đây thu hút khoảng 12 lượt đến 18 lượt người đến đọc sách, báo và tra cứu tư liệu. Ngoài đọc tại chỗ, bà Tuấn còn duy trì hình thức cho mượn. Bà cũng chính là người hàng quý đi tới từng nhà trong khu tập thể để vận động gây quỹ. Bà tâm sự, công việc này không đến nỗi vất vả, khó khăn nhưng cần nhất là sự nhiệt tình và cái tâm cống hiến. Tại cầu thang A3, bên cạnh khu vực để sách báo, bà Tuấn còn dành một khoảng riêng để ghi công khai số tiền quyên góp của từng hộ gia đình. Bà bảo, đó vừa là cách công khai minh bạch tài chính, vừa là hình thức biểu dương, khuyến khích những người có tấm lòng với công tác xây dựng đời sống văn hóa đô thị.
Ông Đào Văn Thu (66 tuổi), Tổ trưởng tổ dân phố 27 cho biết, từ khi mô hình cầu thang văn hóa đi vào hoạt động, đời sống người dân đã có sự chuyển biến sâu sắc. Trong khi chân cầu thang của những khu tập thể khác thường được tận dụng làm nơi buôn bán, tập kết phế liệu thì cầu thang A3 là một không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Đây không chỉ là nơi để hàng ngày tiếp cận thông tin sách báo mà còn là điểm giao lưu, tâm sự, giúp người dân giải tỏa tâm lý, hiểu nhau hơn. Không chỉ thu hút những người cao tuổi, đây còn là điểm dừng chân thường xuyên của thanh niên, trẻ em, đặc biệt vào buổi chiều sau giờ tan học. Những cuộc trao đổi, trò chuyện giữa nhiều thế hệ trong cùng một không gian cũng giúp khoảng cách thế hệ rút ngắn lại. Ông Thu cho biết thêm, sự xuất hiện của cầu thang văn hóa còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự cho địa bàn.
Nhờ xây dựng và vận dụng sáng tạo cầu thang văn hóa mà tổ dân phố 35 (cũ) đã nhiều lần được nhận giấy khen của Thành ủy, Quận ủy, UBND quận. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng tới gần 30 điểm trên địa bàn, trở thành nét văn hóa đẹp của phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội).