Chăm lo người lao động sau sắp xếp bộ máy

Sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn mới hợp nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các chính sách cụ thể, thiết thực nhằm bảo đảm quyền lợi, ổn định đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động...

Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ tổ chức, sắp xếp bộ máy giai đoạn 2 nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ tổ chức, sắp xếp bộ máy giai đoạn 2 nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Luôn đồng hành cùng cán bộ, người lao động

Trong quá trình tổ chức lại bộ máy hành chính, Sở Nội vụ của ba tỉnh, thành phố trước sáp nhập gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động xây dựng các phương án sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở làm việc và phân bổ nguồn nhân lực một cách hợp lý. Công tác này được thực hiện đồng bộ với việc tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong điều động, bố trí công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không chuyên trách tại 168 đơn vị hành chính cấp xã và các cơ quan chuyên môn, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực của từng người.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố đã ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy định của Chính phủ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình tinh giản, sắp xếp lại tổ chức. Tính đến ngày 30/6/2025, toàn thành phố có 2.081 người nghỉ hưu hoặc nghỉ thôi việc theo các nghị định liên quan, với tổng kinh phí chi trả hơn 773,5 tỷ đồng. Trong đó, khối Đảng - đoàn thể có 398 người, khối chính quyền 1.662 người, và 21 người thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức mới, giai đoạn 2 của quá trình sắp xếp bộ máy đang được triển khai. Đây là giai đoạn then chốt trong việc tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động. “Chìa khóa thành công của giai đoạn này nằm ở vai trò, bản lĩnh và sự công tâm của người đứng đầu các đơn vị. Việc bố trí nhân sự cần đúng người, đúng việc, phù hợp năng lực và hoàn cảnh”, bà Hiền nhấn mạnh.

Thực tế triển khai cho thấy, sau sáp nhập, địa bàn thành phố mở rộng với khoảng cách địa lý giữa các đơn vị hành chính tăng lên, gây khó khăn trong đi lại và bố trí trụ sở làm việc. Một số cán bộ đã xin chuyển công tác để phù hợp hoàn cảnh gia đình. Trước tình hình đó, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo thành phố các giải pháp linh hoạt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng cán bộ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, để có phương án bố trí, điều động phù hợp với thực tế công tác và năng lực từng cá nhân.

Đặt con người làm trung tâm

Không dừng lại ở việc bảo đảm quyền lợi khi sắp xếp tổ chức, Thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ sau sắp xếp nhằm giúp cán bộ, công chức, người lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống, hòa nhập với môi trường làm việc mới.

Tại các địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng cá nhân được triển khai sâu rộng. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức họp, thống kê đầy đủ nhu cầu, hoàn cảnh của từng người bị ảnh hưởng để đề xuất chế độ hỗ trợ sát thực, kịp thời.

Đối với lực lượng cán bộ không chuyên trách, Trung ương đã cho phép kéo dài thời gian công tác đến ngày 31/5/2026. Trên cơ sở đó, nhiều phường, xã chủ động rà soát, sắp xếp lại đội ngũ này theo nguyện vọng và năng lực thực tiễn. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Sơn Nhất cho biết: “Phường đã rà soát, bố trí lại đội ngũ không chuyên trách, đồng thời thông tin cụ thể về các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố. Đến nay, có 5 người xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân trong tổng số 56 cán bộ không chuyên trách đang công tác tại phường”.

Tại phường An Phú, Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Khi biết thời gian làm việc được kéo dài thêm gần một năm nữa, anh chị em yên tâm hơn, có thời gian chủ động tìm công việc phù hợp. Phường cũng tích cực kết nối, giới thiệu việc làm để hỗ trợ đội ngũ này”.

Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp tổ chức bộ máy. Trước đó, thành phố đã phê duyệt đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng này. Cụ thể, thành phố sẽ chi tối đa 6 triệu đồng/người/ khóa học, đồng thời hỗ trợ thêm chi phí ăn ở, đi lại trong quá trình đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Dự kiến giai đoạn 2025- 2030, kinh phí dành cho chính sách này khoảng 22,3 tỷ đồng.

Về hỗ trợ tạo việc làm, thành phố triển khai chương trình tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay tối đa 300 triệu đồng/người, thời hạn vay lên đến 120 tháng. Đáng chú ý, trong 5 năm đầu tiên, người vay sẽ được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất. Ước tính có khoảng 1.600 người có nhu cầu vay vốn, tương đương 30% nhóm nghỉ việc không chuyên trách cấp xã, với tổng nhu cầu vốn khoảng 511 tỷ đồng.

Song song đó, thành phố còn hỗ trợ nhóm đối tượng này vay mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội với mức vay tối đa 70% giá trị căn nhà, nhưng không vượt quá 900 triệu đồng/hồ sơ, thời gian vay tối đa 20 năm. Lãi suất hiện tại là 3,2%/năm và có thể điều chỉnh tùy từng giai đoạn.

Trong quá trình sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính công, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm: Lấy con người làm trung tâm. Các chính sách hỗ trợ, từ bảo đảm chế độ, bố trí công tác, đào tạo nghề, vay vốn tạo việc làm, cho đến hỗ trợ an cư đều thể hiện rõ sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền thành phố trong việc bảo đảm an sinh, duy trì sự gắn kết và động lực trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Đây chính là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện thành công mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong bối cảnh mới với bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nhân văn.

Có thể bạn quan tâm

back to top