Với sự tận tâm, bà Ngát không chỉ chắp cánh ước mơ cho tương lai các em tươi sáng hơn mà còn giúp nhiều nông dân phát triển vùng nguyên liệu ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Nằm trong con hẻm nhỏ đường Lương Thế Vinh, phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cơ ngơi của Hợp tác xã Thảo mộc Cô Ngát Natural khá khiêm tốn. Điều đặc biệt ở đây: Các nhân viên đều là người khuyết tật.
Năm 2014, sức khỏe không ổn, bà Ngát đi điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình chữa bệnh cho bà, biết bà sinh sống ở vùng có nhiều loại thảo dược tự nhiên; các bác sĩ đã hướng dẫn bà cách làm trà thảo mộc để tăng cường sức khỏe. Khi về nhà, bà Ngát đã tìm các loại thảo dược có sẵn vườn nhà để làm trà thảo mộc. Vài tháng sau, bà thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt, không còn cảm giác mệt mỏi như trước. Nhận thấy hiệu quả tốt, bà Ngát tặng người thân, bạn bè dùng thử và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực.
Năm 2016, bà mạnh dạn dốc hết vốn liếng dành dụm được mua đất, đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh trà thảo mộc. Thời gian đầu, bà đầu tư mua hệ thống máy móc đơn giản và sản xuất hai sản phẩm chính là trà đinh lăng tim sen và trà khổ qua rừng. Thấy thị trường chấp nhận, bà tiếp tục nghiên cứu, cải thiện sản phẩm, mẫu mã và tiếp tục sản xuất thêm ba sản phẩm mới gồm: Trà mãng cầu cam thảo, trà ổi gạo lứt và trà hoa đu đủ xạ đen nấm linh chi.
Đến năm 2021, các sản phẩm Trà thảo mộc Cô Ngát Natural được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ đó, các sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, được giới thiệu, bày bán tại nhiều hội chợ, triển lãm, các siêu thị... trong và ngoài tỉnh…
“Là giáo viên hơn 20 năm dạy trẻ khuyết tật, sau khi Hợp tác xã Trà thảo mộc Cô Ngát Natural ra đời, tôi đã nhận các em học sinh khuyết tật của mình về làm việc để hướng nghiệp, dạy nghề, giúp các em có cuộc sống tốt hơn”, bà Ngát chia sẻ. Đã có thời gian gắn bó với nhau ở trung tâm cho nên bà và các nhân viên dễ dàng giao tiếp với nhau. Bà hướng dẫn các em tận tình các công đoạn như: Ủ men, sấy khô nguyên liệu, đóng gói, dán mác, đóng hộp…
Đến nay, ngoài tạo việc làm thường xuyên cho ba nhân viên khuyết tật, tùy thời điểm sản phẩm được tiêu thụ nhiều thì số lượng nhân viên sẽ tăng lên năm, bảy người. Không chỉ hướng nghiệp, dạy nghề cho các em khuyết tật có việc làm và thu nhập ổn định, bà Ngát còn liên kết, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, phương tiện cho các hộ nghèo, gia đình khó khăn trồng cây dược liệu để tăng thu nhập.
Chia sẻ về dự định sắp tới, bà cho biết, sẽ tập trung đưa thương hiệu Trà thảo mộc Cô Ngát Natural vươn xa, đồng thời mở thêm các quán bán trà thảo mộc, tạo thêm nhiều việc làm cho trẻ khuyết tật… giúp các em có một tương lai tốt đẹp hơn.