Ký ức kinh hoàng
Riêng trên tuyến Circle tại Ga tàu điện ngầm Aldgate, London, vụ nổ ngày 7/7/2005 đã cướp đi sinh mạng của bảy người, không kể chính kẻ thủ ác. Nhưng, số nạn nhân thiệt mạng có thể đã lên tới tám người, nếu Martine Wright không được cứu sống một cách thần kỳ.
Martine không bao giờ có thể quên được vụ khủng bố khủng khiếp nhất tại Vương quốc Anh, kể từ sau thảm họa trên bầu trời Lockerbie năm 1988. Bốn tên khủng bố làm nổ tung ba chuyến tàu điện ngầm và một chiếc xe buýt trong một ngày. Ngoài tổng số 52 người thiệt mạng, còn có gần 800 người bị thương.
Martine Wright, đáng ra, đã không bước lên tuyến tàu Circle Line, nơi bà ngồi chỉ cách kẻ đeo bom tự sát vỏn vẹn... một mét. Song, vào ngày định mệnh đó, Martine đi làm muộn, nên phải đổi tuyến cho kịp giờ. Và rồi, “Tôi chỉ thấy một tia sáng trắng chói lòa bùng lên trước mắt, và cảm thấy như mình bị ném từ bên này sang bên kia toa tàu”, bà kể lại, trong loạt phim tài liệu 7/7: The London Bombings được phát trên BBC Two hồi tháng 1/2025 vừa qua, kỷ niệm 20 năm thảm kịch. “Tôi còn không kịp đau, chỉ thấy có gì đó như kim loại cắt vào người”.
Sau khi bị mắc kẹt hơn một giờ, Martine được kéo ra khỏi đống đổ nát trong tình trạng nguy kịch, với đôi chân dập nát và cơ thể đã mất tới 80% lượng máu. Cho đến giờ, Martine và Liz Kenworthy, một nữ cảnh sát đã cứu mạng bà, vẫn giữ kết nối. “Tôi vẫn gặp Lizzie. Tôi vẫn gặp những người từ Câu lạc bộ 7/7, câu lạc bộ mà không ai muốn vào”, Martine thở dài. “Một số người
đã vượt qua, nhưng một số người khác vẫn căm phẫn, cho đến tận ngày nay”.
Đau đớn, nhưng không thù hận
Không giống như nhiều nạn nhân trong Câu lạc bộ 7/7, Martine “buông xả”: “Thù hận có ích gì chứ?”, bà giải thích. “Họ hẳn đã bị thao túng để làm như vậy. Khủng bố là điều xấu xa, nhưng tôi chỉ nghĩ đến nỗi đau của những gia đình mất đi người thân”.
Lòng vị tha của Martine càng đáng trân trọng, nhất là khi bà từng trải qua những thời điểm suy sụp đến cùng cực. Sau vụ nổ, Martine được đưa đến Bệnh viện Hoàng gia London và hôn mê suốt mười ngày. Khi tỉnh lại, Martine cố gắng ngồi dậy nhưng không thể cử động. Bà nhìn xuống và thấy một khoảng trống ở nơi đáng lẽ phải là đôi chân.
Chuỗi ngày đày đọa thật sự bắt đầu và kéo đằng đẵng trong 10 tháng tiếp theo khi mà Martine trải qua rất nhiều ca phẫu thuật để có thể đi lại được bằng xe lăn. Cùng với sự mất đi của đôi chân, cuộc sống riêng tư của bà cũng không còn nữa.
Những hình ảnh về vụ khủng bố tàn bạo hôm 7/7 tràn ngập trên truyền thông, khiến cho những trải nghiệm của Martine Wright được chia sẻ rộng khắp cả nước, kể cả khi không có được sự đồng ý của bà. Martine xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo mà bà chưa bao giờ trả lời phỏng vấn, nhận được cuộc gọi từ những người mà bà không cho số điện thoại, và bị những tay săn ảnh bám theo mỗi khi ra viện. Tất cả làm cơn khủng hoảng tâm lý nặng nề gấp bội.
May thay, trong thời điểm ấy, Martine được sự hỗ trợ rất lớn từ cha mẹ, những người đã chuyển đến sống ở gần bệnh viện để tiện chăm sóc con gái. Và chồng bà, ông Nick Wiltshire, cũng thường xuyên “che chắn” cho vợ trước những sự soi mói của cánh săn ảnh.
![]() |
Martine Wright (ngồi giữa) ăn mừng cùng đồng đội tại đội tuyển bóng chuyền ngồi Vương quốc Anh. |
Vun đắp những “ký ức mới”
Sau gần một năm nằm viện và hai năm nghỉ ngơi, Martine đã cố gắng quay lại công việc của một giám đốc tiếp thị quốc tế. Nhưng bà chỉ xoay xở được khoảng 45 giây tại bàn làm việc cũ trước khi bật khóc vì bất lực. “Tôi không thể làm được, tôi không đủ mạnh mẽ”, bà tủi thân.
Nhưng rồi, người phụ nữ khi đó mới 32 tuổi nhận ra: “Có vẻ như tôi được sống sót để làm một điều gì đó. Vậy ý nghĩa của việc thoát chết là gì?”, bà tự vấn. “Tôi không thể quay lại cuộc sống cũ. Tôi không còn như trước nữa. Vì thế, tôi phải bắt đầu lại và tạo ra những ký ức mới”.
Những ký ức mới mà Martine nhắc đến bao gồm việc sinh con trai - “món quà kỳ diệu” mang tên Oscar của bà - bốn năm sau vụ đánh bom, tham gia gameshow truyền hình “Strictly Come Dancing”, lấy được bằng lái… máy bay cỡ nhỏ, và thi đấu bóng chuyền tại Paralympic năm 2012.
Việc tham gia Paralympic cũng đến như một định mệnh. Bởi lẽ, chỉ một ngày trước vụ khủng bố hôm 7/7/2005, thành phố London vừa chính thức giành quyền đăng cai Olympic 2012. Trước khi gặp nạn, Martine đã ấp ủ dự định mua vé đi xem các vận động viên tranh tài ở Thế vận hội. Bà không ngờ rằng, có ngày mình lại thi đấu ở Paralympic (Olympic dành cho người khuyết tật).
Ban đầu, Martine chỉ chơi quần vợt xe lăn, như một phần của quá trình phục hồi chức năng. Tuy nhiên, sau đó, bà bị cuốn hút bởi môn bóng chuyền ngồi. Với sự động viên của chồng, Martine bắt đầu dành 25 giờ mỗi tuần để tập luyện, và tập luyện điên cuồng, với không biết bao nhiêu lần nghiến răng vượt qua cơn đau. Thành quả của nỗ lực ấy cuối cùng cũng đến, theo cách rất ngọt ngào: Năm 2009, Martine được gọi vào đội tuyển nữ bóng chuyền ngồi Vương quốc Anh, và trở thành trụ cột của đội trên hành trình dự Paralympic.
Ngoài thành công trong thể thao, Martine Wright còn tạo dựng sự nghiệp mới, với tư cách là một diễn giả truyền cảm hứng, cho đến hiện tại. Bà vận động không mệt mỏi để đòi mức bồi thường thỏa đáng hơn cho các nạn nhân của vụ khủng bố và gia đình họ, rồi trở thành đại sứ cho người khuyết tật tại Anh.
Nếu ai đó có thể biến thảm kịch thành chiến thắng, thì Martine Wright chắc chắn sẽ có tên trong danh sách. “Tôi may mắn, tôi đã sống sót. Tôi có thêm 20 năm nữa để tạo ra những ký ức mới", bà chia sẻ với tờ Daily Express, trong cuộc phỏng vấn mới nhất hồi tháng 1. “Trước đây, tôi thường đi nghỉ, và né tránh ngày kỷ niệm buồn đau này. Nhưng năm nay thì không”.