Chợ tràm miệt rừng U Minh

Đất rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) dẫu còn hoang vu nhưng đầy hấp dẫn trong nếp ở, cách làm… giản dị của người dân địa phương. Ở vùng này, vui nhất có lẽ là... chợ, bởi nơi đây bày bán nhiều hàng hóa thiết yếu, tấp nập người qua lại. Trong đó, chợ tràm (hay chợ làm siêng), luôn gắn với hình ảnh chịu thương chịu khó của con người Cà Mau.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ tràm U Minh Hạ.
Chợ tràm U Minh Hạ.

Chúng tôi theo tuyến lộ gần con sông Cái Tàu, về miệt rừng ấp 15 của xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Đây là khu vực giáp ranh với tỉnh Kiên Giang. Ở đó, có một khu vực tập trung nhiều lao động thủ công, dùng sức khỏe để làm công việc nặng nhọc, không phải ai cũng làm được. Hàng hóa ở đây cũng đặc biệt không kém khi chỉ có cây tràm. Người quê còn gọi là chợ tràm.

Chợ tràm tồn tại hàng chục năm qua, là một trong những nơi mưu sinh của dòng người lao động ở miệt rừng U Minh Hạ. Hoạt động chính của chợ là mua bán, vận chuyển tràm-một loại cây đặc hữu trên đất rừng U Minh, thường dùng để làm cừ (cọc) phục vụ xây dựng, làm chất đốt, dựng nhà và làm nhiều vật dụng thủ công khác...

Làn da rám nắng, thân hình nhỏ thó, ông Nguyễn Văn Đức cặm cụi vác những cây tràm to qua con lộ ra mé Kênh 11. Ông sẽ được trả công 800 đồng/cây. Ở chợ này, ông Đức được xem là “gạo cội” trong giới làm thuê, khi 50 tuổi đời nhưng đã có gần 30 năm gắn bó với chợ tràm. Với ông, nghề tuy cực mà vui, vì công việc giúp gia đình ông có nguồn thu nhập trong suốt thời gian dài.

“Hôm nhiều việc, tôi kiếm được khoảng 500.000 đồng, hôm ít việc cũng được tầm 200.000 đồng. Bấy nhiêu đó... đủ ăn rồi, lại được làm gần nhà, về thăm lúc nào cũng được...”, ông Đức nói.

Nhà ông Đức ở xã Tân Bằng (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), gần chỗ ông đang làm thuê. Ban đầu, chợ tràm chỉ là bãi tập kết tràm để vận chuyển đi nơi khác, lâu ngày có nhiều ghe lui tới đông đúc, nhộn nhịp như cái chợ cho nên người dân gọi luôn là chợ như hiện nay. Đây cũng là nơi ông Đức lưu dấu lâu nhất trong hành trình “tay làm, hàm nhai”, có nhiều kỷ niệm khó quên. Ông Đức chia sẻ: “Hôm nhiều việc phải vác cây từ 6 giờ sáng đến xế chiều mới xong. Hành nghề này, cổ, vai tôi thường xuyên bị sâu trên thân tràm chạm vào gây bỏng da, ngứa ngáy rất khó chịu...”.

Từng vác tràm thuê như ông Đức nhưng sau nhiều năm tích lũy vốn, nay ông Phạm Văn Dẻo, quê ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) đã dành dụm mua được chiếc ghe để chuyển sang vận tải tràm thuê. Để có tràm chuyển ra tận bãi tập kết, ông Dẻo phải thức từ khuya lơ, khuya lắc, đi xa có khi đến 40- 50 km vào tận các thửa rừng của hộ dân. Ở đó, chủ rừng đã thuê người đốn sẵn cây từ các liếp, rồi tập kết ra sát mé kênh. Phần việc của ông Dẻo và nhóm người làm thuê là vác những cây tràm đã đốn sẵn lên ghe, rồi vận chuyển về nơi tập kết theo chỉ định của bên thuê rồi nhận tiền công.

“Nói là vận chuyển cho sang chứ tôi cũng vác tràm như mấy người bạn theo ghe để tiết kiệm chi phí. Được cái mình hưởng tiền theo sản phẩm nhiều hơn cánh bốc vác, một tháng trừ hết chi phí cũng còn dư khoảng 15- 20 triệu đồng. Cực nhất là phải thức khuya, muỗi đốt dữ lắm nhưng bù lại khi không ai thuê có khi được nghỉ xả hơi...”, ông Dẻo nói.

Chợ tràm U Minh Hạ trở nên đông vui trong khoảng hơn 5 năm gần đây, khi phần nhiều thửa rừng ở U Minh Hạ chuyển sang kê liếp trồng tràm thâm canh. Sản lượng nhiều cho nên ngày càng có nhiều ghe tải lớn xứ khác đổ về mua tràm. Không khí lao động cũng tất bật, nhộn nhịp hơn. Trong làn sương buổi sớm mai của chợ tràm, thi thoảng còn phảng phất mùi hương cay nhẹ đặc trưng của xứ rừng U Minh, phát đi từ những lò hầm than. Đây là nghề tận dụng phụ phẩm từ cây tràm, sau khi cây được phân loại, cắt đi phần đầu, phần gốc. Những khúc tràm thừa còn lại sẽ được tận dụng để hầm than, làm chất đốt.

Từng vác tràm thuê nhưng ông Nguyễn Duy Thanh (70 tuổi, quê xã Khánh Thuận) giải nghệ vì công việc nặng nhọc, chuyển sang mua phụ phẩm tràm để hầm than, đến nay được hơn 10 năm. Ban ngày, ông Thanh cưa củi tràm rồi chuyển cho vợ chất vào lò đốt. Đêm về, vợ chồng ông luân phiên canh lò, có khi đến tận khuya mới xong. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng ông Thanh chỉ được từ 5-7 triệu đồng, bởi than làm nguyên liệu đốt có giá thành tương đối thấp. Ông Thanh tiết lộ: “Hầm than chủ yếu lấy công làm lời, nhưng già yếu ở quê như vợ chồng tôi, mỗi tháng chỉ thu nhập hơn 5 triệu đồng ”.

Chợ tràm trên đất rừng U Minh Hạ mộc mạc, bình dị và “đặc biệt” như thế. Công việc tuy khó nhọc nhưng lúc nào người lao động cũng nói, cười lạc quan, như cái chất chịu thương, chịu khó từ bao đời nay của xứ sở U Minh.