Chống tội phạm ma túy, cuộc chiến đấu một mất một còn

Công an Điện Biên bắt tội phạm ma túy.
Công an Điện Biên bắt tội phạm ma túy.

Những năm đầu, PC17 chỉ có 13 người. Với diện tích xấp xỉ 17.000km2 của tỉnh Lai Châu ngày đó, bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của PC17 phải đảm nhiệm khoảng 1.300km2. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, PC17 đã phải "căng" mình ra theo đúng nghĩa của từ này. Những năm sau đó, liên tiếp các đường dây ma túy bị bóc gỡ, bọn tội phạm lốc nhốc từng xâu theo nhau ra tòa. Trong vòng 5 năm (1998-2002), số án ma túy mà Công an Lai Châu khám phá thường chiếm khoảng 1/4 số án ma túy của cả nước.

Tỉnh Lai Châu có 674km biên giới gồm hai tuyến Việt - Trung và Việt - Lào, đi qua 5 huyện và một thị xã, với 38 xã, 340 làng bản. Trong khi mỗi làng bản còn lâu mới là một "pháo đài" phòng chống ma túy, thì mỗi mét đất biên cương lúc nào cũng có thể là một con đường tiểu ngạch mà bọn tội phạm thừa sức "thăng thiên tấp nập, độn thổ rộn ràng". Vụ án "Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường" chỉ là một vụ  điển hình về quy mô, thủ đoạn, thời gian, tang vật và cả thành phần xã hội của các bị cáo.

Tội phạm ma túy ở Điện Biên thuộc đủ loại tội danh: Mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, đổi chác, chiếm đoạt, sử dụng và tổ chức sử dụng... Mấy năm gần đây, trung bình mỗi ngày ở Điện Biên có ít nhất  từ 1,2 - 2,0 vụ án ma túy bị khám phá, từ 1,8 - 2,5 đối tượng bị bắt giam. Nói đến việc đấu tranh triệt phá ma túy, đơn vị đi tiên phong là Phòng PC17. Hiếm có loại tội phạm nào manh động và hung hãn như tội phạm ma túy, bằng chứng là 70% số vụ án ma túy nói chung và 95% đối tượng ma túy là nam giới nói riêng, khi bị bắt có tối thiểu một loại hung khí trong người.

Có vụ như chuyên án 201 - G, khám xét khẩn cấp nhà riêng của Lý Giống Minh, cảnh sát phát hiện y có tới ba khẩu súng và đều đã nạp đạn sẵn, giấu ở... ba chỗ khác nhau. Cũng trong chuyên án này, tên Lý A Va và đồng bọn đã bắn gần hết một băng AK và hai quả lựu đạn, làm trung úy Phạm Văn Cường (cán bộ Phòng PC17) hy sinh và hai người dân khác bị tử thương. Đó chỉ là hai thí dụ điển hình trong số hàng trăm vụ án ma túy có vũ khí, diễn ra ở trên địa bàn tỉnh Lai Châu trước đây và tỉnh Điện Biên hiện nay.

Trung tá Đặng Xuân Ưu (Trưởng phòng PC17) nói: "Cán bộ, chiến sĩ thuộc PC17, trước khi đi đánh án điều sợ nhất là phút tạm biệt vợ con". Hiện trường vụ án có khi chỉ ở cuối thành phố, nhưng không ai dám chắc rằng hôm nay mình vẫn trở về nhà lành lặn như hôm qua, hôm kia... Buổi sinh nhật con đành lỗi hẹn không có lý do, vợ chủ động điện hỏi thì di động của chồng "hiện thời không liên lạc được". Linh cảm người vợ và nhất là linh cảm của những người vợ có chồng là cảnh sát chống tội phạm ma túy, ngầm mách bảo những điều mà bao nhiêu năm qua các chị không thể nào quen được.

Nếu dồn lại, một năm 12 tháng thì tới ba tháng "cơm phần để nguội", trong lúc "cái nửa yêu thương" đang phải nhịn đói nằm phục trong một bụi rậm cách nhà chỉ độ nửa cánh chim trời. Mục tiêu xuất hiện, ám hiệu phát đi, từng mũi triển khai hành động theo phương án đã định. Cuộc đấu trí, đấu sức và đấu mạng sống diễn ra một mất một còn. Đến khi còng tay đối tượng được rồi, điểm danh đồng đội đủ cả, mới thở phào nhẹ nhõm.

Trở về nhà, người chiến sĩ PC17 xúc động gặp lại vợ con mình bao nhiêu, thì cũng động lòng trắc ẩn bấy nhiêu khi nhớ lại ánh mắt tuyệt vọng và đầy nước mắt của vợ kẻ phạm pháp, lúc chị ta rũ rượi chạy theo dúi vào tay chồng tấm áo mùa đông.

Chuyên án kết thúc thắng lợi, nhưng người cảnh sát phòng chống ma túy nào cũng nghe lòng nặng trĩu những niềm day dứt. Giá mà không có ma túy?