Chú trọng chất lượng thể chất trong nhà trường

Trong nhiều năm, Thể dục bị coi là môn phụ. Tuy nhiên, ở Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Thể dục đã được “định vị” và được coi trọng hơn, với tên gọi mới là Giáo dục thể chất.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học thể chất của học sinh Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Thực nghiệm khoa học giáo dục.
Giờ học thể chất của học sinh Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Thực nghiệm khoa học giáo dục.

Nhờ đó, những chuyển biến trong nhận thức về vai trò của thể chất đối với sự phát triển toàn diện của học sinh đã “mở đường” cho việc đổi mới mạnh mẽ môn học này.

Đáng chú ý, thông qua Dự án "phát triển Giáo dục thể chất trong trường tiểu học ở Việt Nam" (Chiến lược 6C), môn học này đã và đang khẳng định được giá trị cốt lõi trong giáo dục hiện đại-không chỉ rèn luyện thể lực, mà còn hình thành nhân cách, tinh thần và kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.

Dự án “Phát triển Giáo dục thể chất trong trường tiểu học ở Việt Nam” triển khai từ năm 2020, là sự hợp tác giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Nike Việt Nam và Công ty Cổ phần Danson Solutions. Cốt lõi của dự án là Chiến lược 6C, một phương pháp huấn luyện hiện đại lấy học sinh làm trung tâm, hướng đến việc phát triển toàn diện năng lực người học.

Sáu yếu tố trong Chiến lược 6C bao gồm: Tự tin; đóng góp; gắn kết; rõ ràng, súc tích; lựa chọn; công nhận, khen ngợi; đây là những yếu tố nền tảng của một lớp học tích cực, nơi học sinh không chỉ được vận động mà còn được lắng nghe, thể hiện và tôn trọng. Sau 13 đợt tập huấn cho hơn 1.000 giáo viên cốt cán, nhiều địa phương đã chủ động nhân rộng mô hình tại 59 tỉnh, thành phố và khẳng định hiệu quả đạt được trong thực tiễn vận dụng và sự phù hợp với chương trình môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học.

Sau khi áp dụng mô hình 6C, các giáo viên ghi nhận rõ sự thay đổi trong không khí lớp học và tinh thần của học sinh. Không chỉ tạo không khí học tập tích cực, phương pháp này còn kích thích tư duy sáng tạo, phát triển kỹ năng hợp tác, tự tin thể hiện bản thân.

Thầy giáo Nguyễn Lê Chí, giáo viên Giáo dục thể chất, Trường tiểu học Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) chia sẻ, nếu trước đây, học sinh ngại tập những động tác khó, thụ động tiếp thu, kết quả học tập chỉ ở mức trung bình và ít tương tác, ít sáng tạo thì sau khi học theo Chiến lược 6C, các em mạnh dạn thể hiện khả năng, tự giác tập luyện, biết phối hợp nhóm, tích cực tương tác và linh hoạt, sáng tạo hơn.

Cô giáo Phạm Thị Hoa Lê, giáo viên Giáo dục thể chất, Trường tiểu học Khánh Nhạc B (Ninh Bình) đánh giá, phương pháp 6C hoàn toàn phù hợp định hướng Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 là lấy học sinh làm trung tâm, trao quyền cho giáo viên khi cho phép cả giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn, năng động hơn, linh hoạt và sáng tạo hơn trong dạy và học.

Kết quả 5 năm triển khai Chiến lược 6C đã chứng minh: Giáo dục thể chất có thể đổi mới một cách khoa học, sáng tạo, dễ tiếp cận và mang lại hiệu quả thực chất. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng một cách bền vững, cần sự đồng hành sâu sắc hơn từ các cấp quản lý, sự đầu tư dài hạn cho cơ sở vật chất, chính sách cho giáo viên và tài liệu giảng dạy.

Chuyên viên Phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Quang Hiển cho biết, toàn tỉnh hiện có 253 giáo viên có chuyên môn Giáo dục thể chất dạy cấp tiểu học, 271 giáo viên tiểu học dạy kiêm nhiệm. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã tổ chức tập huấn trực tiếp cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy học môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học để từng bước vận dụng Chiến lược 6C vào tổ chức dạy học trên địa bàn toàn tỉnh.

Để chương trình này ngày càng hiệu quả và có sức lan tỏa, Trưởng phòng Giáo dục mầm non và Công tác học sinh, sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Duy Ngọc đề xuất: Dự án nên tiếp tục được triển khai rộng hơn ở cấp tiểu học; hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ học tập; hỗ trợ tập huấn, cung cấp tài liệu và kinh phí. Đồng thời tiếp tục triển khai ở cấp học cao hơn như trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, trong quá trình triển khai và giám sát thực hiện dự án, điều ông ấn tượng nhất chính là sự tự tin, niềm vui, nụ cười của các em học sinh trong các giờ học. Những kết quả đạt được từ dự án là nền tảng quan trọng để Viện tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống tài liệu chuyên sâu, góp phần hỗ trợ giáo viên thiết kế và triển khai các tiết học Giáo dục thể chất một cách hiệu quả, phù hợp định hướng đổi mới giáo dục.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh cho rằng, thực tế cuộc sống hiện nay, nhiều học sinh khu vực thành phố không có cơ hội để vận động ngoài nhà trường. Các em sáng đi học, ở trường cả ngày, chiều về nhà là ở trong nhà luôn. Vì vậy, các trường cần quan tâm đến việc tăng cường vận động và các hoạt động Giáo dục thể chất để học sinh phát triển toàn diện hơn.

Với quyết tâm triển khai dạy học hai buổi/ngày, tăng cường môn Giáo dục thể chất và yêu cầu có bữa ăn bán trú cho học sinh là điều kiện tiên quyết để phát triển. Trong thời gian tới, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung tài liệu và mở rộng phạm vi triển khai Chiến lược 6C cho các cấp học tiếp theo...