Chú trọng nghiên cứu khoa học tại các trường đại học

Nghiên cứu khoa học-công nghệ trong các trường đại học đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Hoạt động nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh CTV)
Hoạt động nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh CTV)

Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và chuyển giaocông nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (Trung tâm VKTech) thuộc Viện Kỹ thuật công nghệ cao, Trường đại học Nguyễn Tất Thành là nơi tiếp nhận các công nghệ mới từ các công ty và các trường đại học Hàn Quốc. Trung tâm này hiện nghiên cứu, phát triển các công nghệ phù hợp với nhu cầu và điều kiện tại Việt Nam.

Một trong những nghiên cứu mang tính thực tiễn cao của đơn vị này là quy trình nuôi vi tảo lục Haematococcus pluvialis để tổng hợp astaxanthin tự nhiên từ Giáo sư Chang-Hee Hong, Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), và Công ty Astabio (Hàn Quốc). Astaxanthin tự nhiên là hợp chất có giá trị cao với hoạt tính chống oxy hóa mạnh, ứng dụng trong thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng và dược mỹ phẩm.Sau khi nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ, VKTech nghiên cứu, phát triển hệ thống với quy mô sản xuất công nghiệp, vận hành ổn định. Sản phẩm tảo khi thu hoạch có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, chứa từ 6-10% hàm lượng astaxanthin trong tổng khối lượng sinh khối dạng khô. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm định và thương mại hóa sản phẩm bột tảo Haematococcus pluvialis làm nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho dược phẩm, dược mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: Nhà trường có những chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và thương mại hóa sản phẩm. Những công trình đã thành công tiêu biểu như: Nghiên cứu tiềm năng và ứng dụng kim ngân hoa trong sản xuất trà tiêu độc; sản xuất vải tơ chuối thay thế vải công nghiệp; ứng dụng chẩn đoán bệnh bằng AI;sử dụng hạt mãng cầu xiêm làm thuốc trừ sâu sinh học…

Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trường có thế mạnh trong các lĩnh vực như toán học, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học, vật lý-vật lý kỹ thuật, khoa học môi trường…

Từ năm 2020 đến 2024, đơn vị này công bố 3.222 bài báo quốc tế trên các tạp chí và hội nghị thuộc danh mục Scopus, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2015- 2019. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Khoa học-công nghệ, Trường đại học Khoa học tự nhiên, dù đã đầu tư đáng kể để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, trường vẫn cần bổ sung thêm trang thiết bị hiện đại, hệ thống máy tính hiệu năng cao, phần mềm bản quyền phục vụ nghiên cứu. Hiện nay kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Quy trình quản lý và thực hiện đề tài còn nhiều thủ tục phức tạp. Nhà trường đang đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa quy trình quản lý, giúp đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu quả các nghiên cứu.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên chia sẻ: Nhà trường định hướng chuyển dần từ nghiên cứu lý thuyết, hàn lâm sang các đề tài gần gũi thực tiễn, có tính ứng dụng cao. Khó khăn lớn là nguồn kinh phí cho đội ngũ nghiên cứu, mặc dù có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ...Nhà trường đang nỗ lực đẩy mạnh tìm kiếm những nguồn quỹ và đầu tư không chỉ từ các cơ quan nhà nước, từ ngân sách mà cả doanh nghiệp. Các đề tài nghiên cứu có sự tham gia của doanh nghiệp, nguồn kinh phí sẽ dồi dào hơn, gắn với thực tiễn hơn.

Theo các chuyên gia: Cần có chính sách khuyến khích, tháo gỡ khó khăn trong việc xác định giá sản phẩm nghiên cứu khoa học. Qua đó, thúc đẩy chuyển giao sản phẩm nghiên cứu, tạo động lực cho các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Với sứ mệnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa họccông nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốcgia, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số bài báo công bố quốc tế với gần 3.200 bài báo trong danh mục Scopus năm 2024, chiếm 13,6% tổng công bố của cả nước. Đơn vị này cũng tiên phong trong nghiên cứu chuyển giao công nghệ với nhiều bằng sáng chế quốc tế, đạt doanh thu trung bình 250- 300 tỷ đồng mỗi năm.

Những sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa tiêu biểu như: Ứng dụng AI/IoT trong quản lý môi trường tại Vườn quốc gia Tràm Chim với hệ thống giám sát và phân tích dữ liệu hệ sinh thái; chip 5G sử dụng công nghệ CMOS 28nm của TSMC; vi mạch khuếch đại công suất siêu cao tần hiệu suất cao sử dụng công nghệ GaAs HBT; hệ thống thử nghiệm vật liệu-cấu kiện chống cháy…

Theo đại diện Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Vai trò của ba nhà: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Để nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt, cần có giải pháp đột phá, mới mang lại hiệu quả thiết thực, giúp ích cho đời sống.

Có thể bạn quan tâm

back to top