Chung sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các chủ tàu cá và ngư dân tỉnh Sóc Trăng quyết tâm chung tay thực hiện các biện pháp để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo về quy định khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội Biên phòng và ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tặng ngư dân ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, tủ thuốc, áo phao.
Bộ đội Biên phòng và ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng tặng ngư dân ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, tủ thuốc, áo phao.

NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO NGƯ DÂN

Đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh Sóc Trăng đã đăng ký là 804 chiếc, tổng công suất 208.733 CV, tàu từ 15 m trở lên là 342 chiếc, tổng công suất 184.188 CV. Số lao động tham gia hoạt động nghề cá khoảng 307.672 người; trong đó, có khoảng 5.630 lao động trực tiếp trên biển. Sản lượng khai thác hải sản trên biển từ đầu năm 2025 đến nay hơn 14.078 tấn (khai thác biển hơn 10.084 tấn, khai thác nội địa 3.994 tấn).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng Quách Thị Thanh Bình cho biết: Trong quý I/2025, Tổ Kiểm tra IUU đã tổ chức 8 đợt kiểm tra chống khai thác IUU tại Cảng cá Trần Đề và hai cuộc đối thoại trực tiếp với ngư dân; cấp lại giấy phép khai thác thủy sản cho 325 tàu có chiều dài 15 m trở lên; 100% số tàu cá đã lắp đặt máy giám sát hành trình. Qua kiểm tra công tác quản lý tàu cá, chống khai thác hải sản theo quy định IUU cho thấy, đến nay tỉnh Sóc Trăng chưa có tàu cá khai thác trên biển vượt ranh giới theo quy định. Đối với công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua Hệ thống giám sát tàu cá (VMS), tỉnh tổ chức trực giám sát 24/24 giờ để theo dõi tàu cá khai thác trên biển, kiểm tra trực tiếp 20 lượt tàu cá đang hoạt động trên biển; qua đó, không có tàu cá khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề, Phạm Văn Hứa, sau khi được thông tin về chủ trương của Đảng và Nhà nước về nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, cũng như các quy định pháp luật về khai thác thủy, hải sản, hầu hết chủ phương tiện tàu cá, ngư dân đều đồng tình và luôn chấp hành tốt việc đánh bắt hải sản đúng luật định. Tất cả tàu khai thác hải sản xa bờ của Sóc Trăng đều không vi phạm về khai thác IUU trên biển.

Các chủ tàu cá ở thị trấn Trần Đề như Trần Văn Khởi, Trần Văn Xếp với hơn 20 tàu đánh bắt xa bờ là những người tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản đúng quy định. Ông Trần Văn Khởi cho biết: Giờ đây, ngư dân đều hiểu rõ quyền lợi được thụ hưởng chính là người làm nghề đánh cá. Vì nếu tuân thủ các quy định trong đánh bắt cá, các sản phẩm sẽ tăng giá trị và có uy tín trên thị trường. Ngư dân Quách Trường Xuân, huyện Trần Đề có bốn tàu cá khai thác xa bờ giải thích: Trước khi xuất bến, tàu vào Trạm Biên phòng Trung Bình kiểm tra và làm các thủ tục xuất bến. Ngư dân luôn được các cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chấp hành các quy định khi tham gia hoạt động đánh bắt hải sản trên biển. Nếu thiết bị giám sát hành trình mất tín hiệu hay bị hư hỏng thì ngư dân báo ngay cho Chi cục Thủy sản và Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề để được nhanh chóng xử lý khắc phục kịp thời trước khi ra khơi.

TÍCH CỰC BÁM NGƯ TRƯỜNG, ĐÁNH BẮT THỦY SẢN HIỆU QUẢ

Trần Đề là cảng cá lớn của tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, hằng năm có hơn 18.000 lượt tàu thuyền cập và lưu cảng. Thực hiện công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, trong những năm qua, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng và Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, quản lý chặt chẽ tàu thuyền khai thác xa bờ và theo dõi, giám sát tàu cá, đôn đốc các chủ tàu thuyền, ngư dân vùng ven biển thực hiện nghiêm quy định trong khai thác, đánh bắt thủy sản.

Trong khu vực cảng cá hiện có 24 doanh nghiệp sơ chế và chế biến thủy, hải sản; trong đó, nhiều doanh nghiệp có quy mô chế biến công nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm như Nhật Bản, Mỹ, EU... Tại cảng Trần Đề có 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá. Trung bình một năm, cảng tiếp nhận 17.000 lượt tàu cập bến lên, xuống hàng hóa và vật tư cho nghề khai thác biển; lượng hàng hóa qua cảng khoảng 160.000 tấn; còn hàng thủy sản qua cảng khoảng 80.000 tấn. Việc xác nhận nguồn gốc thủy sản cho các doanh nghiệp luôn được Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề thực hiện đúng quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủy sản cũng như các chủ tàu thuận tiện hoạt động ổn định.

Mới đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện cao điểm chống khai thác IUU. Đại tá Phạm Lê Xuân Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cho biết: Để chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá tại các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền trên khu vực biên giới biển. Lực lượng mở các cuộc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Cộng đồng châu Âu về khai thác hải sản, trong đó tập trung vào 14 hành vi khai thác vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Qua đó, giúp ngư dân quán triệt Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về quy định IUU; một số quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Với nhận thức đúng đắn, trách nhiệm, ngư dân Sóc Trăng đang nỗ lực thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong nước và quốc tế về đánh bắt thủy, hải sản, góp phần bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy, hải sản; đồng thời, tích cực bám ngư trường, vừa đánh bắt hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.