Chung tay giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng

NDO -

Thời gian qua, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở của tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp đỡ những người lầm đường lạc lối, tái hòa nhập cộng đồng.

0:00 / 0:00
0:00
Công an xã Cẩm Sơn và các ban, ngành, đoàn thể địa phương trao đổi với ông N.H.C (ảnh: TRỌNG TÍN).
Công an xã Cẩm Sơn và các ban, ngành, đoàn thể địa phương trao đổi với ông N.H.C (ảnh: TRỌNG TÍN).

Chính sự giúp đỡ này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Bằng việc làm thiết thực

Tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương được công an xã tổ chức triển khai thực hiện với nhiều biện pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Thiếu tá Đoàn Ngọc Ẩn, Phó trưởng Công an xã Cẩm Sơn cho biết: “Hiện nay, xã Cẩm Sơn có 9 trường hợp chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Thời gian qua, Công an xã Cẩm Sơn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp công an xã quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù bằng những việc làm cụ thể như: Hội nông dân giúp họ tìm việc làm ổn định, vay vốn theo Quyết định 22 của Chính phủ (mỗi trường hợp được vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế). Đến nay, 9 trường hợp đều chấp hành tốt, có việc làm ổn định”.

Đơn cử như ông N.H.C, cư trú ấp 4, xã Cẩm Sơn. Năm 2024, ông trở về địa phương nhưng không có đất canh tác, không có việc làm. Được sự động viên của gia đình cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện từ các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là lực lượng Công an địa phương, Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Sơn động viên, tư vấn pháp luật, giới thiệu việc làm, hướng dẫn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội nên ông quyết tâm làm lại cuộc đời.

Với số vốn được vay 100 triệu đồng, ông mở quán giải khát tại nhà, đầu tư 2 bàn bi-da. Ban ngày, ông cùng vợ quản lý quán. Buổi tối, ông đi làm thuê cho một vựa mít để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, ông N.H.C có thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Sơn Nguyễn Duy Khang kể: “Khi ông N.H.C về địa phương, hội cũng kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng rồi tư vấn liên hệ 1 vựa mít cho ông làm thuê để trang trải cuộc sống. Ông C cũng chí thú làm ăn, thấy được trách nhiệm của mình, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.

Chia sẻ về câu chuyện của mình, ông N.H.C trải lòng: “Khi mới trở về địa phương, bản thân gặp rất nhiều khó khăn, tự ti, mặc cảm với mọi người xung quanh. Hội Cựu chiến binh cùng Công an xã thường xuyên đến động viên, giúp đỡ. Để không phụ lòng mọi người, cá nhân tôi luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn. Đến nay, cuộc sống gia đình khá ổn định”.

Giúp đỡ bằng cả tấm lòng

Trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng được các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân quan tâm đặc biệt. Từ đó, nhiều người chấp hành án phạt tù xong trở về địa phương đã xóa bỏ tự ti, mặc cảm và trở thành công dân lương thiện.

Tổ trưởng Tổ Bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở ấp Tân Xuân, xã Tân Phú Nguyễn Văn Trường cho rằng: “Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, chúng tôi thường xuyên cùng lực lượng công an xã tuyên truyền tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với những người chấp hành xong án phạt tù; định hướng, khuyến khích mọi người hỗ trợ, giúp đỡ, không kỳ thị, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng”.

Chung tay giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng ảnh 2

Công an xã Tân Phú, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đến thăm hỏi ông L.V.T (ảnh: THANH VIỆT).

Năm 2024, xã Tân Phú có 4 trường hợp chấp hành xong án phạt tù về địa phương, ông Nguyễn Văn Trường cùng lực lượng công an, các đoàn thể trực tiếp đến nhà thăm hỏi, động viên, tìm việc làm giúp và đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn chăn nuôi, trồng trọt, mua bán… Đến nay, 4 trường hợp đều có cuộc sống ổn định.

Nhờ sự giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Trường mà ông L.V.T, cư trú ấp Tân Xuân, xã Tân Phú mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình. Sau khi được hỗ trợ vay vốn 60 triệu đồng, ông T cùng gia đình mở rộng vựa nông sản tại Thành phố Hồ Chí Minh và ổn định cuộc sống.

Tâm sự với chúng tôi, ông L.V.T bộc bạch: “Khi mới về địa phương, bản thân như mất phương hướng. Nhờ có ông Nguyễn Văn Trường, các anh công an, Hội nông dân xã hướng dẫn vay vốn, cộng với số tiền bán chiếc ghe, tôi cùng vợ con về Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghề mua bán nông sản, gây dựng cuộc sống. Sau một thời gian tích cực lao động, tích góp, gia đình đã xây được căn nhà trị giá hơn 300 triệu đồng. Giờ đây, cuộc sống của gia đình chúng tôi tương đối ổn định. Thời gian tới, bản thân sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, giúp đỡ những người khó khăn”.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền các cấp, rất cần sự chung tay của cộng đồng, xã hội và gia đình để những người trót lầm lỡ có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, ý chí, quyết tâm làm lại cuộc đời của người tái hòa nhập cộng đồng rất quan trọng. Bản thân mỗi người phải biết tự nhận ra lỗi lầm, sống có trách nhiệm, tích cực lao động, phát triển kinh tế, trở thành người công dân có ích cho gia đình và xã hội.