Chuyến đò đêm xuân

Chàng mê đàn sách từ nhỏ và mỗi khi đọc sách, chơi đàn chàng lại nghe văng vẳng tiếng ông bà kể về một làng quê nơi xa lắc nơi sương mờ bao phủ và tiếng hò da diết khôn nguôi. “Sau này lớn khôn con hãy tìm về làng ta con nhé” - Bà thường dặn như thế.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa | PHẠM HÀ HẢI
Minh họa | PHẠM HÀ HẢI

Như mọi đứa trẻ, chàng lớn lên với một làng quê trong tâm hồn mình, chỉ có điều làng quê của chàng chỉ nằm trong các câu chuyện, lời ca, trong trí tưởng tượng. Làng quê ấy, rất xa xôi mà biết bao gần gụi. Nơi ấy, tổ tiên vất vả xông pha lập làng dựng miếu. Nơi ấy, vẫn chờ đợi ai trở về như tương lai chờ đợi quá khứ hay quá khứ ngóng đợi tương lai? Và rồi, liệu có ai sẽ nhận ra chàng, đứa nhỏ xa làng từ khi còn trong bụng mẹ? Mà rồi biết bao thăng trầm và bươn chải, có khi nào anh về lại làng xưa?

Cuộc kháng chiến trường kỳ và tóc bà từ xanh mướt đã thành bạc trắng tuyết sương. Những lá thư được gửi trong chiến tranh dường như thật khó tìm được người nhận nên mọi thông tin về làng thật ít ỏi và mơ hồ. Rằng mọi người trong ấy vẫn khỏe, rằng O ở miền bắc khi nào vào lại làng ta? Rằng những đứa nhỏ đã lớn lên dựng vợ gả chồng. Lại có mấy đứa ra tập kết đã tìm gặp được O chưa?

Anh của chàng rời làng đi kháng chiến. Quanh làng biết bao nhiêu đồn bốt. Mỗi bước đi chìm trong lửa đạn quân thù. Khi ra tới miền bắc, anh mang trên mình bao nhiêu là mảnh đạn. Nào có dòng địa chỉ hay một số điện thoại mà tìm nhau? Anh chỉ biết người chị của mình là văn công hỏa tuyến. Khi vượt qua sông Bến Hải, vừa gặp lúc đoàn văn công biểu diễn phục vụ bộ đội. Anh ấy nghe tiếng hát biết ngay chị họ của mình. Đoàn vừa diễn xong, người thương binh chống nạng đến gặp ca sĩ mà hỏi: “Phải chị đó không? Em vừa trong nam ra đây rồi!”. Hai chị em ôm nhau khóc.

Ôi bao nhiêu ngày đằng đẵng xa quê, thương nhớ tái tê, tình đất nước cũng là tình máu thịt. Anh đi tìm chị, chị đi tìm làng. Tiếng hát vừa dứt thì bom địch dội xuống chiến trường, mảnh bom cắt phăng luôn cả nửa cây đàn nguyệt cổ mà chị cầm trên tay. “Không sao chị ạ! Hòa bình thống nhất, em sẽ làm cây đàn mới tặng chị”.

Ngoài bắc này, bác của anh có mấy người con trai đều đi bộ đội. Dù không dặn dò, không được giao nhiệm vụ, nhưng các anh luôn mong một ngày tìm được làng mình ở bên kia dòng Bến Hải. Rồi qua bao lần sinh tử, bao trận chiến đấu một mất một còn, chiếc xe tăng chở anh tiến vào thành phố Huế. Dân quân du kích ra đón bộ đội, những người mẹ già đưa cơm hến cho ăn. Anh hỏi đường về làng, nghe tiếng nói quê hương, tiếng của ông bà tổ tiên xưa vẫn vậy: “Anh cứ đi giải phóng Đà Nẵng, Sài Gòn, để Huế tụi em lo. Làng anh vẫn còn đó, lo chi”.

Trong khi sư đoàn của người anh đang tiến về quê hương thì cách đó mấy năm, gia đình nhận được tin anh đã hy sinh nên vẫn lập bàn thờ hương khói. Tin thắng trận rộn vang trên báo, cả nhà mở Báo Nhân Dân ra xem thì thấy trong đoàn xe tăng tiến vào giải phóng Đà Nẵng có anh của chàng. Bà anh nói: “Không biết nó đã gặp được cô dì chú bác trong đó chưa?”. Mọi người bảo: “Chắc chắn gặp được rồi”.

Anh của chàng ăn tô cơm hến rồi lên xe tăng tiến vào giải phóng Đà Nẵng, tiến vào Dinh Độc Lập trưa tháng Tư lịch sử. Bộ đội ta cắm lá cờ Mặt trận Giải phóng lên Dinh Độc Lập! Ôi, lá cờ bé nhỏ đã thấm bao mồ hôi và máu của những người anh, người chị qua bao trận đánh oai hùng.

Anh của chàng kể: “Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập một lát đã thấy bà con tràn ra đem hoa quả cho bộ đội ăn dưới vườn cây, bảo: Mẹ chờ các con đã lâu lắm rồi!”.

***

Thế hệ chàng được gọi là may mắn vì được thừa hưởng một quê hương thống nhất và thanh bình. Nhưng việc học hành cũng chiếm hết tuổi thanh xuân và một hôm chàng tự hỏi: “Sao đến giờ mình vẫn chưa về làng?”.

Ngoảnh lại thời gian, từ khi tổ tiên vào Thuận Hóa mở mang bờ cõi, rồi ngược ra bắc những năm chiến tranh giờ quay trở lại, chẳng ngót nghét 500 năm rồi sao. Nhưng làng vẫn đó, 5 thế kỷ vẫn một tên làng ấy, giữ bao chứng tích thời gian.

Đón chàng có người anh trước là du kích xã, thương binh mấy lần. Anh nói: “Làng ta bị bom đạn cào bằng, chỉ còn lại mỗi cái tên. Sau năm 1975, hòa bình, mọi người mới trở về xây dựng lại nhà cửa, ruộng vườn”. Người anh lại dẫn ra nghĩa trang phủ bóng chiều, bảo: “Tất cả những người nằm kia, đều là họ hàng, hàng xóm láng giềng cả thôi”.

Trên mảnh vườn vẫn còn ngổn ngang những mảnh tường đổ và những viên đá kê cột của các tòa nhà cổ xưa nay không còn nữa. Bác của anh gõ mõ, đọc kinh, bảo: “Con về với ai vậy? Bạn gái à?”.

Chàng về quê cùng Huệ, một nhà văn cũng con em tập kết sinh trưởng ngoài bắc. Hai đứa thích văn chương và có lẽ cũng thích nhau. Giữa những đứa trẻ con em tập kết có một sợi dây vô hình nào đó về mặt tinh thần, kết nối chúng lại với nhau rất tự nhiên.

Huệ nói: “Quê cậu thật thanh bình, những dòng sông xanh biếc và sâu thẳm. Quê mợ thì sông nước tràn đầy phù sa, vườn cây xanh trái. Chúng ta trở về nơi đây và sẽ ở lại mãi mãi để viết văn”.

Bác chàng gọi nhỏ, bảo: “Con thích ai, yêu ai phải có ý kiến cô dì nhé. Không được tự tiện. Số là bác và người làng đã chuẩn bị cho con một đám rồi. Cô ấy cũng tuổi con, đã chờ con mấy năm rồi”.

Chao ơi! Về thăm làng ngay lần đầu tiên mà đã có người đợi chờ từ mấy năm sao?

Con lớn rồi. Con yêu ai là quyền con chứ. Ờ ờ! Biết rồi. Nhưng người ta cũng yêu con, dù chưa bao giờ gặp mặt, chỉ biết là người làng ta nhưng sinh trưởng học hành làm việc ngoài bắc sớm muộn sẽ về. Mà giờ thì con đã về.

Huệ nói: “Cậu hãy lựa chọn đi. Mợ và tình bạn vĩnh cửu của chúng ta, hoặc là quê hương ngàn năm của cậu”.

Chàng không biết nói gì hơn, chỉ biết gật gật đầu.

Người con gái quê chàng cũng khá xinh xắn, da trắng, tiếng hát rất trong trẻo. Cô giáo trẻ ấy khá ngại ngần khi gặp chàng, người mà cô được mai mối từ khi còn tóc đuôi gà. Rằng hãy ngoan đi, học giỏi đi, hát hay đi, cháu của ta ngoài bắc sắp vào rồi đấy!

“Chào anh Lệ. Em tên là Liên. Em nghe bác nói về anh từ khi em còn thơ dại. Nhưng em không nghĩ có ngày mình gặp nhau. Em không được may mắn lắm!”.

Nàng dẫn chàng đi thăm làng, vòng theo dòng sông nhỏ cò đậu trắng bờ: “Bến đò này được đặt bằng tên cố của anh đấy. Chính cố đã có công lập nên ngôi làng này và được thờ làm thành hoàng”. Liên dẫn anh tới giếng làng, nơi có cây cổ thụ cao vút: “Anh Lệ thấy phong cảnh này quen chứ? Cái giếng này là nghiên mực không bao giờ cạn, còn cây cổ thụ kia là cây bút mãi xanh tươi”.

Chàng trở về mảnh vườn xưa, nơi bác vẫn say sưa nói chuyện cùng nữ nhà văn trẻ.

Huệ bảo: “Anh đã quyết định chưa? Sẽ ở lại làng của anh hay tiếp tục cuộc hành trình văn chương bí ẩn và gian nan phía trước? À mà dù sao thì cũng sắp tới giờ ra ga tàu rồi nhé. Có gì hãy tâm sự hết với bác đi”.

Bác anh bảo: “Đi hay ở là tùy con. Dù sao con cũng đã lớn rồi. Quê hương mãi còn đó, chẳng mất đi đâu, điều quan trọng là con đừng bao giờ quên nguồn cội của mình”.

Chàng và Huệ lên đò qua dòng sông nhỏ xanh biếc. Con đò đi giữa những nghĩa trang nhiều lau sậy, qua ngôi trường mẫu giáo mới xây.

Huệ bảo: “Lần đầu về quê, cậu có cảm xúc thế nào? Có viết được gì không đấy?”.

Chàng lắc đầu: “Có lẽ chẳng viết được gì đâu mợ ạ. Đôi khi ta trải qua những cảm xúc không thốt nên lời và chẳng ngôn từ nào diễn đạt được trọn vẹn”.

Huệ nhìn về phía thành phố sáng rực ánh đèn còn chàng ngoái lại phía làng đang chìm trong sương chiều muộn. Chàng biết bên giếng làng vẫn còn đó đôi mắt đen biếc dõi theo anh.

***

Xuân năm nay, chàng về làng một mình. Làng anh vẫn xao xác những hàng tre và đàn cò vạc sớm hôm cãi nhau chí chóe. Dòng nước xanh biếc âm thầm lặng lẽ nuôi dưỡng những cánh đồng gạo thơm cả vào ca dao.

Chàng thắp nén hương cho bác và nhìn chiếc mõ gỗ chuông đồng mòn vẹt tháng năm bác để lại. Anh không biết trên ban thờ, bác còn nhớ cô nhà văn trẻ năm xưa ghé thăm làng hay không? Huệ vẫn thế, vẫn lạc trong thế giới thơ văn của cô với những vui buồn của một đứa con từ mối tình tập kết. Đã lâu lâu lắm rồi, anh không gặp lại nàng và họ chỉ hiểu nhau qua những trang sách thi thoảng mới được in thôi.

Chàng cũng đi qua ngôi trường mà Liên vẫn dạy ở đó chẳng đi đâu. Trong đám trẻ bi bô đánh vần có cả con của Liên.

Bọn trẻ đọc những bài ca dao mà từ ngàn xưa truyền lại đến bà ngoại, đến mẹ và giờ là đến lớp lá lớp mầm.

Chàng đứng tần ngần ngoài cổng trường, không biết nên bước vào sân tìm gặp cô giáo Liên hay không?

Chàng sợ cái cảnh Liên ngơ ngác: Anh gặp ai? Anh và em có quen nhau à? Em chưa bao giờ quen người nào ở xa.

Chàng cũng không thích cái cảnh bùi ngùi và giàu cảm xúc: Liên đây! Em vẫn chờ anh, từ ngày ấy anh Lệ ạ. Em đã cố quên anh, nhưng vào mùa xuân thì lại nhớ.

“Ô! Cháu về khi nào? Sao lại đi bộ? Không báo chú lên đón”. Về làng thì không cần báo trước chú ơi.

Người chú là một lương y ngày ngày bốc thuốc cứu người nhưng cũng vừa trải qua cơn bạo bệnh. “Bệnh tật không chừa một ai, thời gian đi mà không trở lại, sức khỏe cũng thế thôi. Sống trên đời quý nhất cái tình cháu ạ”.

Người chú tóc đã bạc phơ mà chàng cũng không còn trẻ nữa. Hai người đi trên con đường làng, kể về những chuyến đò ngang năm xưa cập bến trước cửa nhà.

Người chú bảo: “Xưa chú đi du kích, nhớ làng quá tìm về nằm ngoài nghĩa trang ngó vào, thấy những cây hàng tre, thấy giếng làng đó, đỡ nhớ, đêm tối lại vào chiến khu. Dọc đường đi, qua đồn bốt, địch nghe tiếng động lạ lập tức bắn súng như mưa. Mình còn sống, còn đi, cứ đi mãi cho đến khi hòa bình được về làng thì thôi”.

“Chồng Liên làm gì chú ơi?”. Bất giác chàng nói bâng quơ.

Chú lắc đầu: “Ơ! Nó lấy chồng bao giờ! Là cô nuôi dạy trẻ mồ côi cháu ạ”.

Chú lại bảo: “Hết chiến tranh nhưng vẫn còn dịch bệnh nên vẫn còn những đứa trẻ mồ côi cần được dạy dỗ chăm sóc. Trẻ con, đứa nào chẳng dễ thương như đứa nào. Chúng lẵng nhẵng theo mẹ Liên tối ngày”.

Ăn cơm xong, chú bảo: “Con thích đi xe hay đi đò lên thành phố? Xưa chú hoạt động đều bằng đò”.

“Vậy chú gọi cho con một chuyến đò ngang”.

Người lái đò nom khá kỳ dị. Trời đã chiều tối mà cô vẫn đội nón, đeo kính, đeo cả khăn che mặt, đeo cả bao tay bịt kín không thấy gì. Hừm, chỉ những người giao liên xưa đưa đón cán bộ bí mật mới ăn mặc kín bưng thế thôi.

Sương mù đã bao phủ và những con cò con vạc nhao nhác theo những mái chèo. Tiếng chèo chậm rãi, phảng phất đôi hạt mưa xuân.

Chàng ngồi phía trước, nhìn vào thành phố đang chăng đèn rực rỡ trên chiếc cầu bắc qua sông. Người chèo đò ngồi sau không nói gì, vẫn tủm tỉm cười trong bóng tối.

Chàng quay lại, thấy như có hơi ấm sau lưng mình: “Cô lái đò cũng người làng ta đấy chứ?”.

Người lái đò định trả lời, rồi lại thôi. Cô gật đầu rất nhanh, rồi vội nghiêng chiếc nón bài thơ đã cũ, mải miết chèo đưa khách qua sông.

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Bất cứ ai nói đến từ “LÀNG” đều chạm đến tầng sâu nhất trong tâm hồn tôi. Một điều gì đó vừa cụ thể, vừa mơ hồ, vừa thiêng liêng, vừa bí ẩn thống lĩnh tôi.

Ðôi tuần tôi vẫn về làng. Nhưng khi đọc truyện ngắn này của Trần Nguyễn Anh, tôi muốn chạy ngay về làng để chứng thực rằng: Làng tôi vẫn ở đó, tôi vẫn còn nhớ đường về làng, mọi thứ của làng vẫn nguyên vẹn cho tôi và chờ tôi. Nhưng cũng tràn ngập trong tôi một nỗi hoảng sợ nếu một ngày nào đó tôi trở về mà không tìm được làng nữa, chỉ là một khoảng trống mênh mông vô định, hay một ngày nào đó thức dậy tôi không thể tìm thấy đường về làng hoặc không có một ký ức gì về nơi chốn đó.

Làng tôi vẫn đấy mà đọc xong truyện ngắn này lại cứ nghĩ tôi vừa tìm được làng sau một thời gian mình đã đánh mất. Cám ơn nhà văn Trần Nguyễn Anh mang đến cho tôi một giấc mộng vừa sợ hãi lại vừa hạnh phúc.