TRI ÂN THẾ HỆ CHA ANH
Tại cửa biển Vàm Lũng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các nhân chứng lịch sử đã thả bè kết hoa, dâng hương tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã hy sinh mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Tuyến đường biển bí mật vận chuyển vũ khí từ miền bắc vào miền nam này, góp phần quan trọng cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Sau Đồng khởi năm 1960, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền nam và nhu cầu chi viện vũ khí cho chiến trường miền nam ngày càng lớn, ngày 23/10/1961, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân), với nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược bắc-nam bằng đường biển, nhằm tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền nam. Từ chủ trương đó, Trung ương Cục chỉ thị các tỉnh miền nam tổ chức thuyền vượt biển ra miền bắc để báo cáo tình hình và nhận vũ khí về phục vụ kháng chiến. Ở Cà Mau, đồng chí Bông Văn Dĩa nhận nhiệm vụ ra miền bắc bằng đường biển, vừa khảo sát tuyến đường vận chuyển, vừa thăm dò và báo cáo với Trung ương. Sau khi kiểm tra, thăm dò địa hình đã xác định Bến Vàm Lũng là nơi tiếp nhận vũ khí thuận lợi nhất.
Sau giai đoạn chuẩn bị khẩn trương và bí mật, ngày 11/10/1962, con tàu gỗ không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1, do thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy đã rời Bến K-15 tại Đồ Sơn (Hải Phòng), chở 30 tấn vũ khí bí mật vận chuyển vào miền nam. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, sáng 16/10/1962, tàu cập Bến Vàm Lũng an toàn, chính thức khơi thông con đường vận tải quân sự huyền thoại trên biển Đông.
Tiếp nối thành công trên, các tàu Phương Đông 2,3,4 lần lượt cập Bến Vàm Lũng an toàn chỉ trong hai tháng sau đó. Trong bốn chuyến tàu đầu tiên đã vận chuyển thành công 111 tấn vũ khí, kịp thời chi viện và tiếp thêm sức mạnh cho cách mạng miền nam. Ðại tá Phạm Văn Hết, nguyên Ðoàn phó Ðoàn 962, Trưởng ban Liên lạc Ðoàn 962 cho biết, Bến Vàm Lũng gắn liền với tên tuổi “Ðoàn 962” năm xưa, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các chuyến tàu vào-ra bến bãi, bí mật tiếp nhận, cất giấu và vận chuyển vũ khí đến các đơn vị lực lượng vũ trang của ta phục vụ chiến đấu.
Dựa vào địa hình hiểm trở, kinh rạch chằng chịt, bên trên là những cánh rừng đước, rừng mắm che phủ tạo điều kiện lý tưởng cho các chiến sĩ cách mạng dễ dàng hoạt động. Nhờ sự đùm bọc, che chở của nhân dân xứ Rạch Gốc, Tân Ân trong hơn 10 năm hoạt động (từ 1962 đến 1972), các cơ sở của đoàn 962 ở vùng rừng ngập mặn Cà Mau được bảo vệ an toàn. Cái giá cho hòa bình rất lớn lao khi nhiều chiến sĩ của Ðoàn 962 và cụm bến Cà Mau đã hy sinh anh dũng.
CON ĐƯỜNG HUYỀN THOẠI
Suốt 14 năm (từ năm 1961 đến 30/4/1975), Đoàn tàu không số trên biển đã làm nên con đường huyền thoại, vận chuyển thành công hàng nghìn tấn vũ khí, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội vào miền nam và từ miền nam ra miền bắc, kịp thời bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền nam. Trong số này, cụm Bến Vàm Lũng tiếp nhận 68 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, tầm vóc của Đường Hồ Chí Minh trên biển hết sức lớn lao, đã phát huy tinh thần, sức mạnh dân tộc với quyết tâm và ý chí sắt đá không gì lay chuyển. Con đường huyền thoại bí mật này là kỳ tích, cũng là sự độc đáo và sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Cụm Bến Vàm Lũng ở Cà Mau mở bến đầu tiên, đón chuyến tàu đầu tiên và cũng là nơi có số lượng tàu vào nhiều nhất, trở thành cửa ngõ vũ khí huyết mạch chi viện cho chiến trường miền nam. Nhân dân đã tạo thành “lũy sắt, thành đồng” bảo vệ thành công cho cách mạng. Bởi vậy, mới có tên gọi Bến Vàm Lũng-Bến lòng dân”, đồng chí Luân chia sẻ.
Với tầm vóc lịch sử, sự đóng góp vĩ đại của Đường Hồ Chí Minh trên biển, ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Đường Hồ Chí Minh trên biển” với các bến: K15 (Đồ Sơn-thành phố Hải Phòng); Vũng Rô (Phú Yên); Lộc An (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Vàm Lũng (Cà Mau). “Đây là vinh dự, niềm tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau. Đảng bộ và nhân dân Cà Mau xin mãi mãi tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, đồng chí đã tham gia mở đường, lập bến, hoạt động tại Bến Vàm Lũng và Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đồng chí Nguyễn Minh Luân, chia sẻ.
Đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển và những “Đoàn tàu không số” có giá trị lịch sử to lớn sẽ sống mãi với sự phát triển của đất nước, của quê hương. Chiến công đánh đổi bằng xương máu này được làm nên bởi trí tuệ, lòng yêu nước, sức mạnh của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” với khát vọng hòa bình và tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.