Theo đó, có chín sản phẩm đạt và vượt tiến độ kế hoạch đề ra như: Vải dệt kim tăng 70,4%; tivi tăng 34,8%; loa, tai nghe tăng 19%; tấm quang năng tăng 36,5%; tấm sàn vinyl tiles tăng 13,5%; xe các loại tăng 16,3%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia luôn duy trì ở mức tăng trưởng khá, đóng vai trò là ngành dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Thái Bình đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành
Dự án sân golf Cồn Vành được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 07/QĐ- UBND, ngày 22/1/2025. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 109,99 ha, nằm trên địa bàn xã Nam Phú (huyện Tiền Hải), gồm sân golf 27 hố, các công trình phụ trợ và hệ thống hạ tầng đồng bộ trong khu kinh tế.
Vị trí sân golf cách Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khoảng 670m (tại điểm gần nhất) và cách Vườn quốc gia Xuân Thủy khoảng 3 km. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã cơ bản hoàn thành.
Nam Định gắn sản phẩm OCOP với du lịch
Hiện nay, tỉnh Nam Định có 330 sản phẩm OCOP, trong đó có 47 sản phẩm đạt 4 sao, 283 sản phẩm đạt 3 sao, thuộc các nhóm ngành: Du lịch, thực phẩm, nông sản, thủy sản. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 40 sản phẩm OCOP mới được công nhận đạt từ 3 sao trở lên và 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung rà soát, hỗ trợ nâng hạng các sản phẩm tiềm năng đã được công nhận trước đó; tổ chức đánh giá lại các sản phẩm hết thời hạn công nhận theo chu kỳ 36 tháng. Một điểm mới năm nay là tỉnh đẩy mạnh lồng ghép phát triển sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống; khuyến khích xây dựng mô hình điểm du lịch gắn với các cơ sở sản xuất OCOP, từng bước hình thành các tour, tuyến trải nghiệm kết nối sản phẩm với văn hóa-lịch sử địa phương; qua đó, mở rộng không gian tiêu thụ, đồng thời lan tỏa giá trị sản phẩm OCOP đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Trưng bày “Bắc Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”
Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và hướng tới đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề “Bắc Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” tại Bảo tàng tỉnh.
Khu trưng bày gồm hơn 400 tài liệu, hiện vật và hình ảnh, được sắp xếp theo ba chủ đề: “Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”; “Bắc Ninh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”; “Bắc Ninh đổi mới, hội nhập và phát triển”. Đáng chú ý, với chủ đề “Ngày hội non sông thống nhất”, trong 2 ngày (24 và 25/4) tại bảo tàng cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động giáo dục, trải nghiệm như: Mặc trang phục thời chiến; giao lưu hát quan họ, trải nghiệm têm trầu cánh phượng, mặc trang phục quan họ; viết thư pháp, trải nghiệm lái xe thồ chở thực phẩm phục vụ tiền tuyến.
Cùng với đó, có nhiều trò chơi dân gian gồm: Múa rối nước Đồng Ngư, nhảy bao bố, kéo co, bịt mắt đập niêu…
Sản lượng vải thiều Thanh Hà ước đạt 38.000 tấn
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hải Dương, sản lượng vải thiều năm nay tại huyện Thanh Hà ước đạt 38.000 tấn, tăng 13.000 tấn so với năm 2024. Sở Công thương tỉnh đã kết nối, đưa đại diện Công ty TNHH Menas (TP Hồ Chí Minh) đến khảo sát vùng trồng vải và ký hợp đồng nguyên tắc với Tổ sản xuất số 10, xã Thanh Sơn (huyện Thanh Hà). Việc ký kết nhằm giảm bớt khâu trung gian, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng vải.
Huyện Thanh Hà có 3.285 ha vải thiều, trong đó duy trì 167 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu. Toàn huyện có 7 cơ sở đóng gói với 20 mã số cơ sở được cấp phép xuất khẩu. Hơn 200 ha vải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, được tỉnh hỗ trợ kinh phí đánh giá, chứng nhận và hỗ trợ phân bón hữu cơ sinh học.
![]() |
Chế biến vải thiều xuất khẩu. |