EU đã tăng cường sử dụng bộ công cụ pháp lý mới mạnh mẽ hơn để kiểm soát các “gã khổng lồ” công nghệ. Các nền tảng kỹ thuật số lớn trên thế giới phải đối mặt các quy định nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay tại EU. Các hành động pháp lý của EU chủ yếu dựa trên hai luật gồm Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) và luật cạnh tranh mang tên Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA).
DSA yêu cầu các nền tảng phải kiểm soát nội dung trực tuyến một cách hiệu quả, nếu không sẽ đối mặt các khoản phạt có thể lên tới 6% doanh thu toàn cầu hằng năm của công ty - một quy định được đưa ra sau nhiều cuộc thảo luận giữa Brussels và các công ty công nghệ. DMA đặt ra một loạt các quy tắc “được phép” và “không được phép” đối với các gã khổng lồ công nghệ như Alphabet, Amazon, Apple, Booking.com, ByteDance, Meta Platforms và Microsoft, nhằm bảo đảm sân chơi bình đẳng và mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng.
Các biện pháp nêu trên của EU gây căng thẳng trong quan hệ với Mỹ khi Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích các quy định về công nghệ của EU. Ông Donald Trump thể hiện lập trường cứng rắn với các chính sách của châu Âu, cho rằng điều này gây bất lợi một cách không công bằng cho doanh nghiệp Mỹ.
Tổng thống Mỹ ký bản ghi nhớ, cảnh báo chính quyền của ông sẽ xem xét kỹ lưỡng hai đạo luật DMA và DSA của EU. Các quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại rằng, DMA nhắm mục tiêu vào các công ty Mỹ. Họ cho rằng các quy định trong đạo luật này áp gánh nặng lên doanh nghiệp và tạo lợi thế cho các công ty châu Âu.
Các nghị sĩ Mỹ cho rằng, những khoản phạt theo DMA lên tới 10% doanh thu hằng năm toàn cầu đối với các vi phạm, dường như có hai mục tiêu: Buộc các doanh nghiệp tuân theo tiêu chuẩn châu Âu trên toàn cầu và đánh thuế châu Âu lên các công ty Mỹ.
Các nghị sĩ Mỹ cũng chỉ trích các yêu cầu của DMA, cho rằng một số điều khoản có thể mang lại lợi ích cho quốc gia đối địch. Họ cho rằng những khoản phạt nghiêm khắc cùng với các điều khoản khác của DMA kìm hãm đổi mới, làm nản lòng nghiên cứu và phát triển, đồng thời trao một lượng lớn dữ liệu độc quyền có giá trị cho các công ty và quốc gia đối địch.
Trong khi đó, nhiều quan chức Mỹ cũng chỉ trích đạo luật DSA mang tính biểu tượng của EU như một hình thức kiểm duyệt của chính phủ. Họ cho rằng các quy tắc này là “quá mức” và “không tương thích” với các giá trị của Mỹ. DSA mâu thuẫn với truyền thống tự do bày tỏ quan điểm của Mỹ và các quan điểm đa dạng mà các công ty công nghệ Mỹ luôn ủng hộ.
Lập trường này được một số lãnh đạo các công ty công nghệ, nhất là ông Mark Zuckerberg của Meta hoan nghênh. Ông Zuckerberg đã tích cực vận động Nhà Trắng phản đối các quy định công nghệ của châu Âu, cho rằng các quy định này giống như các rào cản thương mại và nên được đưa vào bàn đàm phán trong các cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và châu Âu.
Bà Henna Virkkunen, Ủy viên phụ trách công nghệ của EU nhấn mạnh, việc hợp tác chặt chẽ hơn trong quy định sẽ mang lại lợi ích cho chính các công ty Mỹ. Tại cuộc gặp các giám đốc điều hành hàng đầu của Thung lũng Silicon trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, bà Virkkunen cho rằng, việc ông Zuckerberg vận động hành lang với ông Trump là điều bình thường đối với các công ty lớn, vốn luôn tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Tuy nhiên theo bà, các quy định của châu Âu được áp dụng đồng đều cho các công ty châu Âu, châu Á và cả Mỹ, do đó, các quy định này không phải là rào cản thương mại.