Theo các già làng và người dân địa phương, ếch nấu lồ ô thường được chế biến vào mùa mưa, thời điểm loài ếch sinh sôi, xuất hiện nhiều nhất. Đây cũng là lúc bà con Giẻ Triêng lên rẫy dài ngày để canh tác và thu hoạch. Trong điều kiện thiếu thốn thực phẩm tươi, họ tận dụng những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như ếch, lồ ô, lá rừng, bí xanh để chế biến món ăn. Qua thời gian, món ăn trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Quy trình chế biến yêu cầu sự tỉ mỉ và kinh nghiệm. Trước hết, người chế biến phải lựa chọn đúng loại lồ ô, không được quá non cũng không quá già. Nếu lồ ô non, thân mỏng sẽ dễ bị cháy trong quá trình nướng, còn nếu quá già, vỏ dày khiến thịt ếch khó chín, mất đi độ thơm ngon. Lồ ô sau khi được chặt thành từng đốt sẽ được làm sạch, để ráo nước.
Tiếp theo là quá trình chuẩn bị nguyên liệu, những con ếch săn chắc được làm sạch, bỏ nội tạng, ướp cùng các gia vị truyền thống như tiêu rừng giã nhuyễn, củ kiệu thái nhỏ, muối và bí xanh bào mịn. Tất cả được trộn đều, nhồi vào ống lồ ô, rồi dùng lá rừng tươi bịt kín miệng ống. Ống lồ ô sẽ được đặt lên bếp than hồng để nướng. Kỹ thuật nướng món ăn này cũng là một nét tinh tế. Người nướng phải đặt ống lồ ô theo hướng nghiêng khoảng 45 độ so với mặt bếp, liên tục xoay đều để nhiệt lượng phân bổ khắp ống, giúp thịt ếch chín đều mà không bị khét. Thời gian nướng kéo dài từ 25 đến 30 phút, tùy vào độ dày của ống và lượng nguyên liệu bên trong. Khi ống lồ ô bắt đầu tỏa mùi thơm và phát ra tiếng sôi lục bục, đó là tín hiệu món ăn đã đạt độ chín cần thiết.
Anh A Xây, một người con của thôn Đăk Răng, xã Dục Nông chia sẻ: “Trước kia, mỗi khi mùa mưa đến là cả làng rủ nhau đi bắt ếch. Mỗi nhà vài con, gom góp lại rồi cùng nhau nấu ăn. Ếch nấu lồ ô là món ăn gắn bó với ký ức tuổi thơ của tôi và nhiều người dân làng. Món này ngon và ấm tình làng nghĩa xóm”. Thành phẩm khi được dốc ra khỏi ống sẽ có phần thịt ếch trắng ngần, mềm mại nhưng không nát, thơm ngọt đặc trưng. Điều khiến món ăn trở nên đặc sắc hơn cả chính là phần nước dùng-hỗn hợp tinh chất tiết ra từ thịt ếch, bí xanh và nước lồ ô trong quá trình nướng. Phần nước này có vị thanh mát, cay nhẹ từ tiêu rừng, thoảng mùi khói lửa và mùi thơm của lá rừng bịt ống. Tất cả hòa quện tạo nên một tổng thể mùi vị đậm đà, thanh thanh, lâng lâng khó tả.
Bên cạnh yếu tố ẩm thực, món ếch nấu lồ ô còn gắn liền với sinh hoạt cộng đồng của người Giẻ Triêng. Trước đây, vào mùa thu hoạch, các gia đình thường cùng lên rẫy, sinh hoạt và nấu ăn ngay tại lán. Ban ngày làm việc, ban đêm người đàn ông sẽ đi soi ếch bằng đuốc tự chế từ lồ ô và nhựa thông. Sáng hôm sau, người phụ nữ sẽ dùng số ếch bắt được để chế biến món ăn. Cách chia sẻ công việc và cùng nhau chuẩn bị bữa cơm tạo nên sự gắn kết và ấm cúng trong mỗi gia đình. Những bữa cơm rẫy ấy, dù đơn sơ nhưng chan chứa nghĩa tình và đượm hương rừng núi.
Ngày nay, khi đời sống hiện đại dần thay thế lối sống canh tác truyền thống, món ăn này không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên, vào những dịp lễ hội hoặc trong các hoạt động văn hóa, món ếch nấu lồ ô vẫn được tái hiện như một nét văn hóa ẩm thực của người Giẻ Triêng.