Đánh thức tiềm năng hai đô thị trung tâm

Thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vừa được công nhận là đô thị loại III. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển đô thị của hai vùng đất nhiều tiềm năng này...
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thị xã Trảng Bàng, địa phương vừa đạt đô thị loại III.
Một góc thị xã Trảng Bàng, địa phương vừa đạt đô thị loại III.

Phát huy các lợi thế

Nhắc đến địa danh Hòa Thành không thể không nhắc đến Tòa Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (còn gọi là Tòa Thánh Tây Ninh), là cơ quan Trung ương của tôn giáo Cao Đài và là điểm du lịch nổi tiếng trong hệ thống du lịch tâm linh của khu vực miền nam. Đây cũng là vùng đất trù phú có nhiều loại cây trồng, từ cây trồng nước đến cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả, cùng hệ thống kênh, rạch, sông Vàm Cỏ Đông, là những yếu tố cảnh quan hấp dẫn.

Theo ghi chép, đô thị Hòa Thành được hình thành từ những năm 50 của thế kỷ 20, được tôn giáo Cao Đài Tây Ninh quy hoạch và thiết kế theo mô hình bát quái. Các vị trí chức năng theo từng khu vực đô thị được định hướng khoa học, đồng bộ, khá hoàn chỉnh, hạ tầng giao thông được quy hoạch theo dạng ô bàn cờ.

Thị xã Hòa Thành hiện nay là đơn vị hành chính cấp huyện có mật độ dân số đông nhất tỉnh Tây Ninh, ngày càng được mở rộng phát triển không gian đô thị trên cơ sở hạ tầng của khu vực xây dựng từ giữa thế kỷ 20 đến nay. 5 năm qua, thị xã Hòa Thành đã được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị với tổng số hơn 400 dự án lớn nhỏ, ước tính tổng số vốn đầu tư đạt hơn 746 tỷ đồng.

Theo ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, thị xã Hòa Thành được công nhận đô thị loại III sẽ tạo điều kiện và động lực để tỉnh tiếp tục xây dựng phát triển đô thị hiện đại, đồng bộ, tập trung phát huy các thế mạnh về kinh tế, tạo động lực cho phát triển đô thị, thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương.

Thị xã Hòa Thành nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh giai đoạn đến năm 2030, tiến tới là đô thị loại II đến năm 2035. Trong đó, xác định tính chất của thị xã Hòa Thành là “Trung tâm thương mại-dịch vụ của tỉnh”; đô thị có vai trò kết nối các tuyến giao thông của tỉnh; đô thị thuộc vùng trung tâm của tỉnh và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh là đô thị loại III với phạm vi gồm toàn bộ ranh giới thị xã Hòa Thành, có diện tích tự nhiên khoảng 82,92 km2. Trong đó, khu vực nội thị bao gồm các phường Long Hoa, Long Thành Trung, Long Thành Bắc, Hiệp Tân; khu vực ngoại thị gồm các xã Trường Tây, Long Thành Nam, Trường Đông, Trường Hòa.

Mảnh đất thu hút nhiều nhà đầu tư

Tương tự như thị xã Hòa Thành, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Trảng Bàng luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường, huy động sức mạnh toàn dân; đoàn kết một lòng xây dựng thị xã ngày càng phát triển toàn diện, góp phần quan trọng vào sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2024, thị xã Trảng Bàng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, bình quân đạt hơn 8% trong ba năm gần nhất, với tổng giá trị sản phẩm năm 2024 đạt 45.909 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, nhờ quỹ đất sạch sẵn có và hạ tầng đồng bộ. Với dân số hơn 200.000 người, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm hơn 70%, Trảng Bàng đang trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp khi đạt đô thị loại III.

Với lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, thị xã Trảng Bàng luôn giữ vai trò quan trọng, có sức hút và tác động lớn đối với khu vực vùng Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và các nước ASEAN. 5 năm qua, thị xã Trảng Bàng có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, tỷ trọng thương mại-dịch vụ gia tăng, thu ngân sách nhà nước tăng hằng năm, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tăng cường, nhiều công trình lớn về hạ tầng giao thông, thương mại, dịch vụ đã và đang được đầu tư.

Tốc độ đô thị hóa khá nhanh, một số khu đô thị hiện đại được hình thành, góp phần thay đổi diện mạo đô thị. Thị xã Trảng Bàng đã hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, đang triển khai phủ kín quy hoạch phân khu và các quy hoạch chi tiết xây dựng, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tại địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng khẳng định, thời gian tới, với các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Gò Dầu-Xa Mát, cao tốc bắc-nam phía tây; các đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, Quốc lộ: 22B, 22C, 14C, 56B... sẽ mở ra cơ hội liên kết vùng, tạo điều kiện thuận lợi để Trảng Bàng nói riêng và Tây Ninh kêu gọi đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị mạnh mẽ.

Thị xã Trảng Bàng cần sớm tổ chức triển khai đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000 đã được phê duyệt. Giai đoạn 2026-2030, thị xã Trảng Bàng cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí của đô thị theo tiêu chí của đô thị loại III; phấn đấu đạt khoảng 75% tiêu chí đô thị loại II, sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Đông Nam Bộ.