Dấu mốc mới cho hợp tác Việt Nam-Pháp về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

NDO - Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân từ ngày 25 đến 27/5 được kỳ vọng thúc đẩy việc triển khai thực chất và hiệu quả các cam kết đã được thống nhất trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện, nhất là trên lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Tọa đàm xúc tiến đầu tư Việt-Pháp, các doanh nghiệp Pháp tin tưởng rằng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron.
Tại Tọa đàm xúc tiến đầu tư Việt-Pháp, các doanh nghiệp Pháp tin tưởng rằng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4/1973, vượt qua mọi biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, vào tháng 10/2024, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện - một dấu mốc mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự tin cậy lẫn nhau giữa hai bên.

Thương mại Việt Nam-Pháp tăng trưởng ấn tượng

Ngay khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng lợi thế từ việc mở cửa chính sách và nâng cao độ tin cậy chính trị-ngoại giao.

Theo đó, xuất khẩu từ Việt Nam vào Pháp đã có cú hích quan trọng đầu tiên, tăng từ 3,8 tỷ USD lên xấp xỉ 4,1 tỷ USD vào năm 2014. Đến năm 2016, kim ngạch đã chạm mốc 5 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng mạnh để đạt gần 6,5 tỷ USD vào năm 2018.

Chỉ sau 5 năm (2013-2018), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Pháp đã tăng gần 70%. Đây không chỉ là minh chứng cho hiệu quả của cơ chế hợp tác cấp cao, mà còn cho thấy sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm và mở rộng thị phần tại thị trường châu Âu, đặc biệt là Pháp.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực năm 2020 đã tiếp thêm đà cho thương mại song phương, dù thời điểm đó chịu tác động tiêu cực nặng nề từ đại dịch Covid-19.

Năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam-Pháp vẫn duy trì khoảng 6,1 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ 3% so với năm trước. Giai đoạn 2021-2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường với kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6,1 lên 7,5 tỷ USD, tương đương mức tăng khoảng 23% so với đầu giai đoạn và đã vượt qua đỉnh trước dịch (6,5 tỷ USD năm 2019).

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU không chỉ mang lại lợi ích về thuế quan, mà còn thúc đẩy cải cách về quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng quản lý hàng hóa, mở rộng tiếp cận các dịch vụ logistics, tài chính và bảo hiểm. Nhờ đó, các mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, nông-thủy sản… ngày càng được đón nhận rộng rãi tại Pháp, từ đó tạo đà lan tỏa thuận lợi sang các thị trường EU khác.

Trong năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 7%. Con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng hợp tác giữa hai bên.

--------

Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Pháp đã tăng từ khoảng 3,8 tỷ USD năm 2013 lên 7,5 tỷ USD năm 2024, tức gần gấp đôi chỉ sau 11 năm. Quy mô thương mại song phương nhờ vậy duy trì đà tăng trưởng bền vững với tốc độ tăng trưởng kép bình quân (CAGR) đạt khoảng 6,5% mỗi năm.

Theo ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Bộ phận Thương vụ (Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp), việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 10/2024 không chỉ củng cố quan hệ chính trị, ngoại giao, mà còn khởi động giai đoạn hợp tác kinh tế-thương mại sâu rộng hơn.

Ông Vũ Anh Sơn cho rằng, rào cản lớn là các quy định phi thuế quan của EU. Mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đã xóa bỏ phần lớn thuế quan, hàng hóa Việt Nam vẫn phải trải qua quá trình chứng nhận chất lượng, kiểm định an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rất chặt chẽ.

Thủ tục phức tạp và thời gian chờ đợi lâu khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là các đơn vị vừa và nhỏ chùn bước. Đây có thể nói là rào cản rất lớn, khiến cho chưa tạo được thành làn sóng định hướng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng định hướng xuất khẩu vào Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Dấu mốc mới cho hợp tác Việt Nam-Pháp về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ảnh 1

Ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp trao đổi với các doanh nghiệp Pháp về thúc đẩy thương mại song phương.

Bên cạnh đó, chi phí logistics vẫn còn là “gánh nặng” đáng kể. Thương mại dịch vụ và đầu tư trực tiếp song phương vẫn chưa phát triển tương xứng với thương mại hàng hóa.

Các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm, logistics hay chuyển giao công nghệ vẫn mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, còn thiếu những dự án lớn mang tính chiến lược.

Như vậy, dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU mở ra khung khổ ưu đãi rõ ràng, nhưng lộ trình dỡ bỏ thuế quan kéo dài tới 2030 vẫn có khoảng 0,3% dòng thuế EU nhập khẩu từ Việt Nam chưa được xóa bỏ hoàn toàn hoặc đang áp dụng hạn ngạch.

Đồng thời, việc nắm bắt và tận dụng các ưu đãi còn chậm do thiếu kinh nghiệm trong cộng đồng doanh nghiệp.

Dấu mốc mới cho hợp tác Việt Nam-Pháp về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ảnh 2

Trao đổi Thương mại Việt Nam-Pháp (2013-2024). (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Pháp)

Pháp nổi tiếng với trình độ công nghệ cao trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể hợp tác với doanh nghiệp Pháp trong các dự án đầu tư dây chuyền sản xuất thực phẩm công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nhà kính hiện đại, hoặc phát triển các thương hiệu thực phẩm chế biến tại Pháp để phân phối rộng rãi trong Liên minh châu Âu.

Việc đầu tư vào lĩnh vực này còn giúp nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, tiếp cận công nghệ và thị trường tiêu dùng cao cấp tại châu Âu.

Về logistics và dịch vụ hậu cần, Pháp là một trung tâm logistics trọng yếu của châu Âu với hệ thống cảng biển lớn, cơ sở hạ tầng logistics hiện đại và mạng lưới giao thông đường sắt-đường bộ kết nối xuyên suốt Liên minh châu Âu.

Liên kết với Pháp sẽ tạo tiền đề xây dựng các kho ngoại quan, kho lạnh, trung tâm phân phối hàng hóa tại các khu vực chiến lược như cảng Le Havre, Marseille hay Dunkerque, từ đó nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm Việt Nam vào thị trường EU một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Ông Vũ Anh Sơn nhấn mạnh, như vậy, việc mở rộng đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Pháp không chỉ giới hạn ở lĩnh vực thương mại thuần túy mà còn bao phủ nhiều ngành nghề mang giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ và mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu có thể khắc phục được những điểm nghẽn về tiêu chuẩn kỹ thuật, logistics và mở rộng đầu tư dịch vụ, thương mại Việt Nam-Pháp hoàn toàn có thể bước sang giai đoạn tăng trưởng bứt phá hơn nữa.

Có thể nói, chuyến thăm của Tổng thống Macron tới đây sẽ tạo dấu ấn chính trị quan trọng, khẳng định sự tin cậy chiến lược và quyết tâm của cả hai bên trong việc đưa hợp tác kinh tế-thương mại song phương lên tầm cao mới. Với nền tảng chính trị-pháp lý vững chắc từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đang được triển khai sâu rộng, kim ngạch thương mại Việt Nam-Pháp được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt và vượt mốc 15 tỷ USD vào năm 2030.

Làn sóng đầu tư mới từ Pháp

Quan hệ Việt Nam-Pháp đã trải qua hơn 50 năm phát triển với một số dấu mốc quan trọng. Năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, rồi được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 10/2024. Trong những bước phát triển như vậy, hợp tác đầu tư luôn là một trong những trụ cột quan trọng.

Đối với các nhà đầu tư Pháp, Việt Nam là một thị trường ổn định, năng động, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dân số trẻ và hội nhập sâu rộng vào các hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định, với môi trường đầu tư đang ngày càng cải thiện.

Những lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, y tế, hạ tầng, công nghệ xanh, giáo dục và nông nghiệp thông minh đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư Pháp.

Theo Tham tán, Trưởng Bộ phận xúc tiến đầu tư Đào Quốc Cương (Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp), bên cạnh tiềm năng, hiện Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện, như thủ tục hành chính, môi trường pháp lý minh bạch, hay khả năng kết nối thực chất giữa doanh nghiệp hai nước. Đây đồng thời là những ưu tiên trong cải cách của Việt Nam đã và đang thực hiện.

Dấu mốc mới cho hợp tác Việt Nam-Pháp về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ảnh 3

Tham tán Đầu tư Đào Quốc Cương giới thiệu những chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Tọa đàm xúc tiến đầu tư Việt-Pháp được tổ chức ở Paris ngày 15/5.

Trong thời gian tới, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Đó sẽ là một cú hích lớn để nâng tầm hợp tác đầu tư, tăng niềm tin của các nhà đầu tư Pháp khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Ông Vincent Menuet, Tổng Thư ký Tập đoàn Suez và ông Philippe Lepinay, Giám đốc phụ trách quốc tế Tập đoàn Thales nhấn mạnh những lợi thế của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là sự ổn định về mặt thể chế, nhiều ưu đãi và chính sách ngày càng thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh thế giới thực sự đang có nhiều biến động vào thời điểm hiện nay và thực tế tồn tại những căng thẳng thương mại trên toàn thế giới, Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia mới nổi, là một vùng đất hứa mới cho các công ty Pháp và châu Âu.

Các doanh nghiệp Pháp đang sẵn sàng để tiếp cận với thị trường Việt Nam trong bối cảnh mới để có thể tận dụng những cơ hội trên tất cả lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như năng lượng, phát triển bền vững, hạ tầng cơ sở, chất bán dẫn, nông nghiệp, giao thông vận tải và phát triển, y tế, dược và nhiều lĩnh vực khác.

Dấu mốc mới cho hợp tác Việt Nam-Pháp về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ảnh 4

Ông Philippe Lepinay: Tập đoàn Thales sẽ tháp tùng Tổng thống E.Macron và xem xét đầu tư vào các lĩnh vực mới ở Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Emmanuel Macron là dấu mốc mới của sự cam kết chính trị mạnh mẽ và là cơ hội quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực mới nổi.

Từ sự kiện này, làn sóng đầu tư từ Pháp vào Việt Nam sẽ được đẩy mạnh, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng và chiều sâu, đóng góp vào sự phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo của cả hai quốc gia.

Một giai đoạn mới sẽ mở ra cho hợp tác đầu tư song phương - từ "nhà đầu tư và thị trường" sang đối tác đồng hành cùng phát triển, nơi doanh nghiệp hai nước cùng sáng tạo, chia sẻ giá trị và cùng hướng tới phát triển bền vững, góp phần vào việc xây dựng nền kinh tế tương lai xanh, số và sáng tạo của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu.

Tại Cộng hòa Pháp - quốc gia có nền tảng khoa học kỹ thuật vững mạnh, những nỗ lực trong thập niên vừa qua đã mang lại nhiều kết quả ấn tượng, góp phần đưa nước này trở thành một trung tâm đổi mới hàng đầu tại châu Âu. Đây là nguồn cảm hứng và kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam - quốc gia đang bước vào giai đoạn hoàn thiện hệ thống pháp lý về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ số.

Pháp hiện triển khai các chính sách dài hạn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua chương trình France 2030, với quy mô đầu tư lên tới 54 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó, hơn 10 tỷ euro tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, hàng không-vũ trụ.

Tại Pháp, Luật Tăng trưởng và Chuyển đổi doanh nghiệp (PACTE) năm 2019 được đánh giá là bước đột phá trong cải cách môi trường pháp lý cho doanh nghiệp sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, đơn giản hóa cơ chế tài chính-đầu tư, cho phép nhà nghiên cứu lập doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Bên cạnh đó, các tổ chức trung gian như SATT (chuyển giao công nghệ), IRT (nghiên cứu ứng dụng), cùng 56 cụm công nghiệp đóng vai trò "cầu nối" giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số tại Pháp cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Nền tảng FranceConnect (công cụ để kết nối, chia sẻ, cùng sử dụng dữ liệu) đã có hơn 40 triệu người dùng. Hơn 250 dịch vụ hành chính công được số hóa. Khối doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, được hỗ trợ qua chương trình France Num để số hóa quy trình sản xuất, bán hàng và quản trị.

Tại Việt Nam, việc Quốc hội đang xem xét một số luật quan trọng như Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là cơ hội vàng để học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ các mô hình thành công như Pháp.

Dấu mốc mới cho hợp tác Việt Nam-Pháp về thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ảnh 5

Tham tán KHCN Trần Mạnh Hùng phát biểu tại Lễ ra mắt Mạng lưới chuyên gia năng lượng hạt nhân người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức ở Paris ngày 18/5/2025.

Theo Tham tán, Trưởng Bộ phận khoa học công nghệ Trần Mạnh Hùng (Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp), có ba lĩnh vực hợp tác trọng tâm cần được thúc đẩy với Pháp gồm:

• Thể chế hóa cơ chế đổi mới sáng tạo: Việt Nam có thể tham khảo Luật PACTE và mô hình France 2030 để đề xuất quy định mới về tài trợ nghiên cứu theo kết quả đầu ra, cơ chế đầu tư chung công-tư cho các vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo và đơn vị chuyển giao công nghệ.

• Tổ chức hệ sinh thái trung gian đổi mới sáng tạo: Hình thành các mô hình tương tự SATT, IRT, cụm công nghiệp tại Việt Nam - trong đó Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và điều phối, doanh nghiệp giữ vai trò đầu tư và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

• Phát triển nguồn lực công nghệ và liên kết viện, trường-doanh nghiệp: Thúc đẩy hợp tác giữa các đại học, viện nghiên cứu lớn như Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh... với các đối tác Pháp như CNRS, CEA, IP Paris, Paris Saclay...

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể tận dụng các cơ chế hỗ trợ từ Pháp như Quỹ FASEP, chương trình Expertise France, cũng như huy động lực lượng chuyên gia gốc Việt tại Pháp để đóng góp vào quá trình chuyển đổi tri thức.

Tham tán Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh: Kinh nghiệm của Pháp cho thấy, một hệ sinh thái đổi mới bền vững cần đồng thời có nền tảng pháp lý cởi mở, thể chế quản lý linh hoạt, cơ chế tài chính khuyến khích rủi ro sáng tạo và mạng lưới hợp tác công-tư hiệu quả. Việt Nam đang đi đúng hướng, và việc "đồng bộ hóa luật-chính sách-mô hình" sẽ là chìa khóa để bứt phá trong kỷ nguyên công nghệ.

Pháp được đánh giá cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có thể hợp tác với các startup hoặc trung tâm nghiên cứu của Pháp, nhằm tiếp nhận công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển và triển khai ứng dụng tại cả hai thị trường Việt Nam và châu Âu. Việc hợp tác này cũng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận các nguồn tài trợ nghiên cứu và hỗ trợ đổi mới sáng tạo từ các chương trình của EU.

Chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc triển khai thực chất và hiệu quả các cam kết đã được thống nhất trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện. Các cuộc gặp cấp cao cùng các hoạt động khác trong khuôn khổ của chuyến thăm sẽ đặt nền tảng quan trọng để hai bên nhanh chóng triển khai các cơ chế hợp tác trong giai đoạn mới, nhất là trên lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.