Trao đổi về Dự án xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên đang được triển khai tại tỉnh Điện Biên, ông Nguyễn Công Tám cho biết: Nhà máy chế biến mủ cao-su được xây dựng trong khu vực vườn cây cao-su ở bản Pá Sáng, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.
Với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, nhà máy có công suất thiết kế 5.000 tấn/năm (lò sấy 2 tấn/giờ). Dây chuyền sản xuất của nhà máy sử dụng kỹ thuật chế biến tiên tiến-tiết kiệm-hiệu quả, cho ra sản phẩm phù hợp với định hướng của ngành cao-su và của thị trường; tạo ra sản phẩm sơ chế có giá trị kinh tế cao, đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, đóng góp cho ngân sách địa phương thông qua việc nộp thuế, phí hằng năm.
![]() |
Đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền hai xã: Hua Thanh, Mường Pồn (huyện Điện Biên) và tập thể lãnh đạo Công ty cổ phần cao-su Điện Biên cắt băng khởi công xây dựng nhà máy. |
“Công suất thiết kế của nhà máy là 5.000 tấn/năm nhưng công ty sẽ phấn đấu đạt công suất 7.500 tấn/năm trở lên, bảo đảm chế biến hết mủ cạo của hai công ty cao-su trên địa bàn và diện tích cao-su tiểu điền của các hộ dân. Đặc biệt, quá trình sản xuất mủ cao-su của công ty tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, thân thiện môi trường”, ông Nguyễn Công Tám khẳng định.
Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho 100 lao động là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương; làm tăng doanh thu, lợi nhuận của hai công ty, gồm: Cao-su Điện Biên và Cao-su Mường Nhé vì không phải vận chuyển mủ đi chế biến tại các tỉnh, thành khác. Doanh thu từ sản xuất, kinh doanh của nhà máy còn đóng góp nguồn thu không nhỏ (khoảng 20 tỷ đồng/năm) vào nguồn thu ngân sách của địa phương.
Yêu cầu các nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục thuộc nhà máy, ông Nguyễn Công Tám, giao tiến độ cụ thể là chậm nhất 120 ngày nữa (30/7) phải hoàn thành xây dựng, để nhà máy sẵn sàng sản xuất và chế biến từ đầu quý 4/2025.
![]() |
Cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần cao-su Điện Biên kiểm tra, đánh giá kỹ thuật cạo mủ của công nhân trên vườn cây Hua Thanh. |
Thực hiện nhiệm vụ Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam giao là trồng mới cây cao-su trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với mục tiêu chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo công ăn việc làm, chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi, biên giới, bắt đầu từ năm 2007 Công ty cổ phần cao-su Điện Biên tiến hành trồng mới cây cao-su.
Đến nay, diện tích vườn cây của công ty quản lý có gần 4.000ha trải dài trên địa bàn 16 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Hoạt động của Công ty đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 800 công nhân, người lao động với mức lương bình quân 5,62 triệu đồng/người/tháng.
Bằng việc nỗ lực đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến mủ cao-su tại tỉnh Điện Biên của Công ty đã cho thấy hiệu quả việc quản lý, sản xuất của tập thể lãnh đạo; đồng thời tiếp tục khẳng định quyết tâm của tập thể lãnh đạo Công ty luôn quan tâm chăm lo việc làm, đời sống người lao động, để người lao động yên tâm chăm sóc, khai thác, sản xuất tại vườn cây.