Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng: Cơ hội kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp

NDO - Bộ Tài chính vừa trình dự thảo nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), với đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế suất 2% so với Nghị quyết 43/2022/QH15 và kéo dài thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2026 - trở thành đợt giảm thuế giá trị gia tăng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng 2% và kéo dài thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025-31/12/2026. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)
Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng 2% và kéo dài thời gian áp dụng từ ngày 1/7/2025-31/12/2026. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)

Mở rộng danh mục hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng

Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là bổ sung nhiều ngành hàng vào diện giảm thuế giá trị gia tăng, bao gồm sản phẩm công nghệ, nhiên liệu và một số nguyên liệu sản xuất quan trọng.

Cụ thể, một số sản phẩm công nghệ như: máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê thiết bị công nghệ, cổng thông tin điện tử sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi. Các sản phẩm kim loại đúc sẵn như: thùng, bể chứa, dụng cụ chứa đựng bằng kim loại, nồi hơi cũng thuộc diện giảm thuế nhằm kích thích tiêu dùng nội địa.

Đáng chú ý, một số nguyên liệu sản xuất đầu vào quan trọng như: than cốc, nhiên liệu dầu, xăng dầu, dầu mỡ bôi trơn, phân bón, hợp chất ni-tơ, plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh cũng được đề xuất giảm thuế. Đặc biệt, than nhập khẩu và than bán ra trong kinh doanh thương mại cũng thuộc diện được hỗ trợ nhằm giảm chi phí sản xuất và hỗ trợ ngành công nghiệp năng lượng.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, mặc dù xăng dầu thuộc nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và khai khoáng, nhưng đây là nhóm hàng có ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành sản xuất và đời sống người dân. Do đó, để giảm áp lực chi phí, mặt hàng này sẽ được áp dụng mức giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2026.

Dự thảo cũng giữ nguyên mức thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực được đánh giá là đang có sự tăng trưởng tốt hoặc cần được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Cụ thể, bất động sản không thuộc diện được giảm thuế do thị trường đã có dấu hiệu phục hồi mạnh. Theo thống kê, số lượng giao dịch đất nền năm 2024 tăng 33,6% so với năm trước. Tương tự, các hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm cũng không được giảm thuế do nhóm ngành này đang có mức tăng trưởng ổn định.

Ngoài ra, các sản phẩm khai khoáng (trừ than) và sản phẩm kim loại cũng không được giảm thuế, nhằm bảo đảm khai thác tài nguyên hợp lý theo định hướng phát triển bền vững. Những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện điều tiết tiêu dùng hoặc không phục vụ mục tiêu kích cầu, du lịch nội địa cũng không nằm trong diện hưởng ưu đãi thuế.

Hiệu quả của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, từ năm 2022 đến nửa đầu năm 2025, việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10% đã mang lại tác động tích cực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Năm 2022, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 19,8% so với năm 2021.

Sang đến năm 2023, việc tiếp tục giảm thuế theo Nghị quyết 101/2023/QH15 trong 6 tháng cuối năm đã giúp tiết kiệm thêm 23,4 nghìn tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm trước.

Đến 2024, chính sách giảm thuế theo Nghị quyết 110/2023/QH15 và 142/2024/QH15 tiếp tục hỗ trợ 49 nghìn tỷ đồng, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9% so với năm 2023.

Chỉ tính riêng hai tháng đầu năm 2025, số thuế giá trị gia tăng được giảm theo Nghị quyết 174/2024/QH15 ước đạt 8,3 nghìn tỷ đồng, kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước.

Dự thảo lần này không chỉ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp mà còn hướng đến mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 8% trở lên vào năm 2025, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế, PGS,TS Ngô Trí Long đánh giá, việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026, cùng với việc đề xuất bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào diện được giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách, nhưng cũng được kỳ vọng sẽ kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Nhìn chung, việc mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng cho thấy Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách này sẽ không chỉ giúp kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn mà còn tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long

“Nhìn chung, việc mở rộng nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng cho thấy Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Nếu được triển khai hiệu quả, chính sách này sẽ không chỉ giúp kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn mà còn tạo động lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, PGS,TS Ngô Trí Long nhận định.

Anh Nguyễn Quốc Tản, Giám đốc Công ty TNHH Su3 chuyên kinh doanh hàng gia dụng, cho biết: Hiện tại, doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn khó khăn khi sức mua trên thị trường chưa thực sự phục hồi, trong khi chi phí nhập khẩu và vận hành ngày càng tăng. Đặc biệt với ngành hàng thiết bị gia dụng, việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ thuế, chi phí logistics và biến động tỷ giá.

Việc Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng thêm 18 tháng sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp tăng doanh thu. Khi giá bán hợp lý hơn, khách hàng sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định và phát triển.

“Chúng tôi hy vọng chính sách này sớm được thông qua để giúp thị trường sôi động trở lại và doanh nghiệp có thêm động lực phát triển”, anh Tản chia sẻ.

Là người tiêu dùng, anh Trần Văn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng thực sự có ý nghĩa đối với những người tiêu dùng như tôi. Ban đầu, nhiều người nghĩ mức giảm này không đáng kể, nhưng nếu tính trên tổng chi tiêu hằng tháng, đặc biệt với những gia đình có con nhỏ hoặc người già, thì số tiền tiết kiệm được không hề nhỏ.

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa vẫn ở mức cao, thu nhập của nhiều lao động chưa cải thiện nhiều, việc tiếp tục kéo dài chính sách này sẽ giúp người dân giảm bớt áp lực tài chính. Tôi hy vọng Nhà nước sẽ xem xét duy trì lâu dài hơn nữa để vừa hỗ trợ tiêu dùng, vừa thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”.

Bộ Tài chính khẳng định, việc kéo dài thời gian giảm thuế lên 18 tháng sẽ giúp nền kinh tế có thêm động lực phục hồi và tăng trưởng bền vững, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất và xuất khẩu.

Chính sách này cũng phù hợp với định hướng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường.