Đường vành đai phía nam thành phố Thái Bình là dự án trọng điểm của tỉnh có tổng chiều dài 8,37 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 10 tại Km 59+950, thuộc địa phận xã Tự Tân (huyện Vũ Thư), điểm cuối tại nút giao với đường Chu Văn An, thuộc địa phận xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình). Đây là tuyến đường hiện đại có tốc độ thiết kế 80km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, đây là tuyến đường giao thông huyết mạch kết hợp giữa giao thông đối ngoại và giao thông đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông, nhất là các xe có tải trọng lớn từ Khu kinh tế Thái Bình, các khu, cụm công nghiệp thuộc các huyện Tiền Hải và Kiến Xương đi các tỉnh phía nam. Tỉnh xác định đây là nền móng để phát triển không gian đô thị hiện đại theo định hướng chung đã đề ra, với mục tiêu sớm đưa huyện Vũ Thư trở thành đô thị loại IV và thành phố Thái Bình trở thành đô thị loại I.
Công trình được khởi công vào tháng 5/2022 với liên danh nhà thầu thi công dự án, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long, Công ty cổ phần 873 xây dựng công trình giao thông và Công ty cổ phần Xây dựng cầu 75 đang quyết tâm đưa công trình vào sử dụng theo đúng kế hoạch. Đây là dự án giao thông đã giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 (25,3 tỷ đồng).
Ông Phạm Hồng Tùng, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh cho biết: Tính đến 31/12/2024, nhiều dự án sử dụng ngân sách Trung ương đã giải ngân hết kế hoạch vốn như: Dự án xử lý cấp bách tuyến đê I xã Bình Thanh, xã Bình Định, xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương) 73 tỷ đồng; xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh (10 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng Nhà điều trị và thực hành lâm sàng Bệnh viện đa khoa Trường cao đẳng y tế Thái Bình (15 tỷ đồng)… Bên cạnh đó, một số dự án đạt tỷ lệ giải ngân cao, như: Đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh 454 (đường 223) đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao (68/70,6 tỷ đồng đạt 96,6%);dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh (52,5/63,2 tỷ đồng, đạt 83,2%).
Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, một loạt các dự án vốn lớn cũng đã giải ngân hết kế hoạch như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 452 (đường 224) đoạn từ đường Thái Bình-Hà Nam đến xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà (29,7 tỷ đồng); đường tỉnh 464 đoạn qua địa phận xã Tây Sơn và đoạn qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương (24,5 tỷ đồng); dự án đường cứu hộ cứu nạn qua xã Tân Phong, huyện Vũ Thư (16,2 tỷ đồng); dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình-Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ Ninh Bình (346 tỷ đồng); thanh toán các dự án hoàn thành (dự án đường 221A 149 tỷ đồng); tuyến đường thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn theo hình thức PPP (35 tỷ đồng).
Ông Đặng Văn Tính, Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chia sẻ: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công hằng năm của Thái Bình luôn đạt kết quả tốt, cao hơn bình quân chung của cả nước, riêng năm 2024 đạt 112,7% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 74% kế hoạch vốn tỉnh triển khai. Để có được kết quả đó, ông Tính cho biết, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị với nhiệm vụ giải ngân vốn.
Bên cạnh đó, phân bổ, giao kế hoạch vốn sớm ngay từ đầu năm và thông báo kịp thời đến các chủ đầu tư để chủ động triển khai thực hiện dự án theo tiến độ; ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho dự án có khả năng giải ngân tốt, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án. Nhiều cách làm sáng tạo đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện đạt hiệu quả, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, góp đất để giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Để giải ngân nguồn vốn nhanh, hiệu quả, địa phương xác định rõ nút thắt hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, ngay từ cuối tháng 12/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10/NQ-TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này trên địa bàn. Cùng với đó, bước vào những ngày đầu của năm mới 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số và hoàn thành ở mức tốt nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.