Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Bà Rịa-Vũng Tàu là khu vực “cửa ngõ” của miền Đông Nam Bộ. Thời gian gần đây, địa phương này đang thu hút vốn đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp đã chọn Bà Rịa-Vũng Tàu để xây dựng dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy của Hyosung Việt Nam tại thành phố Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) được đầu tư mở rộng sản xuất.
Nhà máy của Hyosung Việt Nam tại thành phố Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) được đầu tư mở rộng sản xuất.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều màu sắc tươi sáng trên chặng đường phát triển. Từ những con số tăng trưởng ấn tượng đến dòng vốn đầu tư đổ về; từ ngành công nghiệp sôi động đến du lịch... tất cả đều cho thấy sức bật mạnh mẽ của một địa phương đang vươn lên trở thành trung tâm phát triển phía nam.

Điểm sáng mới là khu đất mặt tiền đường 3/2 vừa hoàn tất đấu giá và khởi công ngày 16/5, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đô thị Vũng Tàu (thuộc Tập đoàn Sun Group) triển khai. Với tổng diện tích khoảng 96 ha, dự án có tổng mức đầu tư gần 37.000 tỷ đồng. Theo thông tin từ Sun Group, khu đô thị được quy hoạch với nhiều hạng mục chức năng như: khu căn hộ cao tầng, biệt thự thấp tầng, tổ hợp thương mại-dịch vụ, khách sạn và một công viên nước chủ đề rộng 19 ha. Sau khi hoàn thiện, khu đô thị dự kiến sẽ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 13.000 cư dân thường trú và đón tiếp khoảng 11.000 khách du lịch mỗi ngày.

Trước đó, đầu tháng 5, tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khu du lịch Sông Ray (thuộc Tập đoàn Apple Tree) tổ chức lễ động thổ dự án Khu du lịch Sông Ray. Dự án có quy mô triển khai trên diện tích hơn 81.000 m2, tổng mức đầu tư khoảng 68 triệu USD. Dự án bao gồm các hạng mục như: khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu trải nghiệm thiên nhiên, và các tiện ích hiện đại khác. Toàn bộ quá trình quy hoạch và xây dựng sẽ được nhà đầu tư chú trọng đến yếu tố bền vững, thân thiện với môi trường và bảo tồn giá trị bản địa.

Dọc các trục đường 3/2, đường 2/9, đường Trần Phú cũng xuất hiện nhiều dự án lớn. Nhiều tập đoàn cũng đang đàm phán hoặc triển khai các dự án du lịch, đô thị ven biển Bãi Sau ra Bãi Trước.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), nhà đầu tư lớn tại Khu công nghiệp Cái Mép, dự kiến đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó tập trung mạnh cho nhà máy ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Lee Sang Woon, Phó Chủ tịch Hyosung, đánh giá cao sự đồng hành của chính quyền tỉnh và khẳng định môi trường đầu tư nơi đây rất hấp dẫn. Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn cũng lên kế hoạch đầu tư thêm kinh phí để mở rộng nhà máy...

Nhiều dự án có mức đầu tư lớn cũng đang được triển khai tại Bà Rịa-Vũng Tàu như: Dự án nhà máy hóa chất của Tosoh Corporation Nhật Bản với tổng vốn 176 triệu USD với công suất thiết kế khoảng 100.000 tấn/ năm. Nhà máy Electronic Tripod Việt Nam thuộc “đại gia” sản xuất đồ điện tử, thiết bị máy móc, thiết bị y tế Tripod (Đài Loan, Trung Quốc) với tổng vốn 250 triệu USD. Nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam (thuộc Tập đoàn BOE Bắc Kinh, Trung Quốc) được cấp phép với tổng vốn 277,5 triệu USD.

Bên cạnh đó, các dự án vốn trong nước bao gồm nhà máy dược phẩm Reiw tại khu công nghiệp Châu Đức vốn 220 tỷ đồng; khu chung cư cao cấp Phước Hội-Sea Pearl Apartment vốn 410 tỷ đồng; khu dân cư Gia An 1-Gia An Lakeside vốn 635 tỷ đồng; nhà máy chế biến gỗ của Tập đoàn Hòa Phát tổng vốn 679 tỷ đồng; nhà máy sản xuất kết cấu thép kỹ thuật cao HTSB vốn gần 840 tỷ đồng. Ngoài ra còn có cơ sở lưu trú công nhân tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổng vốn 1.820 tỷ đồng; khu nhà ở sinh thái An Điền tại thị trấn Long Điền tổng vốn 4.269 tỷ đồng; nhà máy thép tấm lợp Nam Kinh Phú Mỹ tổng vốn 4.500 tỷ đồng; nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene Phú Mỹ tăng vốn 13.466 tỷ đồng…

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, tỉnh thu hút được các nhà đầu tư như hiện nay, ngoài tiềm năng, lợi thế sẵn có, còn do địa phương đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ những điểm nghẽn cho sự phát triển.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục trong 4 năm có chỉ số cải cách hành chính gần tiệm cận và hiện đang đứng đầu trong khu vực Đông Nam Bộ, nằm trong tốp 5 của cả nước. Riêng về hạ tầng giao thông kết nối, dự kiến đến giữa năm 2027 sẽ hoàn chỉnh.

Với các giải pháp đó, trong những tháng đầu năm 2025, tỉnh đã có nhiều điểm sáng trong thu hút đầu tư. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2025, tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn tỉnh cấp mới và tăng thêm đạt 1.032,23 triệu USD và 33.732 tỷ đồng, tương đương 60.570 tỷ đồng, đạt 44,84% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 49,15% kế hoạch (2,1 tỷ USD), vốn đầu tư trong nước đạt 41,38% kế hoạch (81.517 tỷ đồng). Tính đến hết tháng 4/2025, trên địa bàn tỉnh có 498 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 34.458,5 triệu USD (trong khu công nghiệp 32.614 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 16.367,5 triệu USD; ngoài khu công nghiệp 174 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 18.091 triệu USD). Tính đến hết tháng 4/2025, trên địa bàn tỉnh có 709 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 410.830 USD và 1,018 tỷ USD (trong khu công nghiệp có 29.519 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 179.154 tỷ đồng và 1,018 tỷ USD; ngoài khu công nghiệp có 414 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 231.676 tỷ đồng).

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khẳng định: Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ là nền tảng quan trọng tăng sức hút, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tin tưởng, lựa chọn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm đến để triển khai các dự án quy mô. Theo quy hoạch tỉnh, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển 4 nhóm ngành kinh tế trụ cột: Công nghiệp; cảng biển-logistics; du lịch; dịch vụ chất lượng cao. Tỉnh kiên định với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa lớn, kiên quyết không chấp nhận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây hại đến môi trường.