Dù chỉ chiếm 9% diện tích và 20% dân số cả nước, khu vực Đông Nam Bộ đều đặn đóng góp hơn 30% GDP, gần 45% tổng thu ngân sách nhà nước và hơn 32% kim ngạch xuất khẩu. Các chỉ số này không chỉ phản ánh quy mô kinh tế, mà còn cho thấy sức chịu tải lớn của vùng đối với toàn bộ nền kinh tế quốc gia.
Mở rộng vai trò đầu tàu
Từ ngày 1/7/2025, hệ thống hành chính mới đi vào hoạt động đã tạo ra hai thực thể đặc biệt trong vùng là Thành phố Hồ Chí Minh hợp nhất và Đồng Nai mở rộng. Đây là bước tái cơ cấu mang tính chiến lược, tạo nên không gian phát triển và phân bố lại chức năng vùng một cách hiệu quả hơn.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh mới được hợp nhất từ ba địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, với tổng diện tích hơn 6.722 km² và dân số hơn 14 triệu người. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2025, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) đạt mức tăng trưởng 7,82%, cao nhất kể từ sau đại dịch. GRDP tính theo địa giới mới ước đạt 6,56% nếu tính dầu thô và 7,49% nếu không tính.
Cùng với đó, việc hợp nhất với Bình Phước đã đưa Đồng Nai trở thành một tỉnh “siêu” công nghiệp. Tỉnh mới có diện tích hơn 12.740 km², dân số 4,49 triệu người, GRDP đạt 609.200 tỷ đồng, đứng thứ tư cả nước. Sự gia tăng về không gian và quy mô dân cư đang tạo nền tảng vững chắc để Đồng Nai từng bước đảm nhận vai trò trung tâm công nghiệp và logistics bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với sự mở rộng địa giới là làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân và khối FDI. Đồng Nai hiện có hơn 40 khu công nghiệp đang hoạt động, cùng hàng chục nghìn ha đất đã quy hoạch cho công nghiệp và đô thị. Tỉnh mới được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến chiến lược cho nhiều chuỗi sản xuất lớn.
Trên địa bàn, các doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò nòng cốt trong nhiều lĩnh vực, nhất là các “ông lớn” ngành cao su với diện tích lên tới 50 nghìn ha. Song song đó, các tập đoàn tư nhân và doanh nghiệp FDI cũng hiện diện ngày càng nhiều, tạo nên hệ sinh thái sản xuất đa dạng và hiện đại. Nhiều doanh nghiệp đã chọn Đồng Nai làm cứ điểm trung chuyển cho cả thị trường phía nam và khu vực Đông Nam Á.
Thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông kết nối
Ở cấp độ ngành, khu vực Đông Nam Bộ cho thấy sức bật rõ rệt trong các lĩnh vực chủ lực. Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò dẫn dắt, với Thành phố Hồ Chí Minh (cũ) dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp công nghiệp, chiếm tới 60% toàn vùng. Chưa kể lực lượng doanh nghiệp trải dài từ Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu sau sáp nhập.
Lĩnh vực logistics tại đây cũng phát triển vượt trội với khoảng 14.800 doanh nghiệp, chiếm gần một nửa số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là đầu mối kết nối hàng hóa, nguyên vật liệu và sản phẩm đi các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, thông qua hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế. Bất động sản và xây dựng cũng đang tăng tốc cùng với quá trình công nghiệp hóa. Nhiều khu đô thị mới, các cụm dân cư hiện đại đang hình thành dọc theo các khu công nghiệp, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tạo sức sống mới cho thị trường nhà ở.
Tuy nhiên, sự bùng nổ công nghiệp và dịch vụ đã kéo theo nhu cầu vận chuyển, đi lại tăng đột biến. Hàng trăm nghìn lượt xe cá nhân, xe tải và container mỗi ngày di chuyển qua các tuyến kết nối TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai đang tạo áp lực lớn lên hạ tầng vốn đã quá tải.
Phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng vì thế không chỉ phục vụ dân sinh, mà còn là điều kiện sống còn để duy trì chuỗi sản xuất - logistics - xuất khẩu toàn vùng. Theo các chuyên gia, cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ, tỉnh lộ, vành đai 3, vành đai 4, đồng thời triển khai hệ thống metro liên vùng và vận tải đa phương thức.
Song song với giao thông, quy hoạch lại không gian đô thị và tổ chức phân bố các trung tâm công nghiệp - dịch vụ - dân cư cần được thực hiện một cách tổng thể, dài hạn. Việc sắp xếp hợp lý chức năng vùng, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội giữa các khu vực cũ và mới là yêu cầu cấp thiết.
Các chuyên gia cho rằng, một “siêu đô thị vùng” chỉ có thể phát triển bền vững khi hạ tầng, quy hoạch và quản trị đô thị được tích hợp hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với mục tiêu xã hội và môi trường.