Tham dự hội thảo có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.
Hội thảo khoa học có mục tiêu làm rõ nội hàm và những yêu cầu của Kỷ nguyên mới phát triển đất nước; những vấn đề liên quan đến Viện Kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xu hướng phát triển trong kỷ nguyên mới; sự lãnh đạo của Đảng đối với Viện Kiểm sát nhân dân, những vấn đề về thiết chế kiểm soát quyền lực, chiến lược phát triển nhân lực; việc đổi mới phương pháp công tác kiểm sát ở các lĩnh vực và những chủ trương, định hướng phát triển ngành kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.
Viện kiểm sát phải trở thành thiết chế kiểm soát quyền lực hiệu quả
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh, ngành Kiểm sát nhân dân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành đúng vào thời khắc lịch sử khi chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành ở 34 tỉnh, thành phố. Hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân theo mô hình mới 3 cấp được kiện toàn và đi vào hoạt động.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến cho biết, bên cạnh những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra, Đảng, Nhà nước giao cho Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện một số nhiệm vụ mới như thí điểm thực hiện tố tụng dân sự công ích, những xu hướng cải cách tư pháp trong kỷ nguyên mới cần được nghiên cứu thấu đáo và có đề xuất cụ thể về: Đổi mới cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế tố tụng, bảo đảm hiệu quả hơn, giảm thời gian, chi phí tố tụng, góp phần thúc đẩy mạnh cải cách tư pháp nói chung, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân nói riêng, nhằm góp phần phát triển, hội nhập và phục vụ tốt lợi ích của nhân dân, vì nhân dân.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân như vai trò kiểm soát quyền lực tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân trong bối cảnh cải cách tư pháp, cải cách bộ máy Nhà nước để thúc đẩy hoạt động tư pháp hiệu quả, bảo đảm cho hoạt động tư pháp luôn luôn nằm trong quỹ đạo tuân theo pháp luật, nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm; các giải pháp nhằm đổi mới, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân trong kỷ nguyên mới; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn mới…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền đòi hỏi Viện kiểm sát phải trở thành thiết chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.
Một Nhà nước pháp quyền không thể vận hành minh bạch, liêm chính nếu thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực, đặc biệt là trong hoạt động tư pháp - lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm quyền con người và lạm quyền.
Viện kiểm sát với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp phải được nâng tầm như một “trụ cột" pháp lý giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm hoạt động tố tụng diễn ra khách quan đúng quy trình và đúng pháp luật.
Do đó, tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Viện Kiểm sát nhân dân phải tiếp tục được củng cố hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp độc lập trong khuôn khổ hiến định và pháp luật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông đề nghị, định vị rõ vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát trong bộ máy đất nước trong kỷ nguyên mới. Trọng tâm kiểm soát quyền lực của Đảng chính là ngành Kiểm sát vì Viện Kiểm sát chính là công cụ của Đảng, là thanh bảo kiếm của Đảng ta để bảo đảm đường lối chính sách của Đảng được thực hiện nghiêm minh.
Chính vì thế, sự lãnh đạo của Đảng phải trực tiếp toàn diện với ngành Kiểm sát. Bên cạnh đó, một vấn đề cốt lõi của ngành đó là chú trọng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ kiểm sát đủ tầm ứng phó với những vấn đề mới trong tình hình mới, đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Tăng cường chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ số, các cơ quan tư pháp buộc phải thay đổi để thích ứng, Viện Kiểm sát nhân dân phải sử dụng nền tảng số để quản lý án, kiểm soát tiến độ, phân tích dữ liệu và đưa ra cảnh báo rủi ro trong tư pháp.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định, chuyển đổi số là bài toán nan giải với ngành, tuy nhiên với quyết tâm cao, thời gian tới ngành sẽ tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Trong đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống", liên thông, dễ khai thác, dễ sử dụng, an toàn thông tin và bí mật Nhà nước.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết thêm, Viện sẽ áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân đối với hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.