Đời thường của “cọp Tây Ninh”

Tại Hội nghị gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh tháng 4/2025), có một lão nông dáng người đậm chắc, giọng nói chất phác và nụ cười hiền hậu. Ông lão 74 tuổi ấy là Phạm Văn Chiến, tức Phạm Văn Điện, từng được mệnh danh là “cọp Tây Ninh”.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Huyện ủy Gò Dầu Trịnh Ngọc Phương (phải) thăm và tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Văn Chiến nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Bí thư Huyện ủy Gò Dầu Trịnh Ngọc Phương (phải) thăm và tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Văn Chiến nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Đến ấp Rỗng Tượng, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, không ai không biết ông Phạm Văn Chiến - công an lão thành từng được mệnh danh “cọp Tây Ninh”.

Đi qua những chiến công oanh liệt, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) từ rất sớm (năm 1976), nhưng do vết thương cũ và hoàn cảnh riêng, năm 1986 ông xin rời lực lượng, trở lại gắn bó với ruộng vườn, đồng đất mà ngày xưa mình từng chiến đấu để bảo vệ. Về với đời thường, ông làm tất cả để mưu sinh, từ làm ruộng, trồng hoa màu, chăn nuôi, chăm sóc cây ăn trái cho đến thợ điện, thợ hồ…

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phước Lê Thị Cẩm Nhung cho biết, là địa phương thuần nông, địa hình có nhiều thuận lợi cho nên người dân Thanh Phước sớm tiếp cận với ánh sáng của Đảng Cộng sản.

Chi bộ Đảng Thanh Phước từ ngày được thành lập đến khi nước nhà hoàn toàn giải phóng, dù trải qua nhiều giai đoạn cực kỳ khó khăn nhưng vẫn giữ sinh hoạt liên tục, bám đất, bám dân để lãnh đạo chiến đấu chống giặc giữ làng. Kết thúc chiến tranh, lực lượng vũ trang và nhân dân Thanh Phước đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND.

Xã Thanh Phước với hàng trăm liệt sĩ, có nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, trong đó có ông Phạm Văn Chiến tức “cọp Tây Ninh”, do lối chiến đấu làm kinh hoàng đối phương.

Ông sinh ra trong gia đình nông dân nghèo nên không có điều kiện học hành. Lớn lên thì đánh giặc giữ đất, giữ làng như bao thanh niên Thanh Phước khác, không biết chữ song sự gan dạ thì có thừa (Sau ngày 30/4/1975, ông mới được “xóa mù chữ” đến hết lớp năm).

Khi đó thiếu thốn, ông Chiến ít khi dùng súng mà chỉ sử dụng lựu đạn để đánh giặc, chống càn. Trong trận giáp lá cà năm 1972, Đội trưởng trinh sát Phạm Văn Chiến đã cùng đồng đội (gồm sáu người với năm khẩu súng) đương đầu hàng chục xe quân sự, 300 lính thiện chiến, hai khẩu pháo 105 ly.

Gan lỳ đến mức khi tiêu diệt được tên địch nào, ông lại cùng đồng đội hô “xung phong” cho địch sợ giãn ra, rồi bò ra lấy súng và lựu đạn. Cứ thế, họ kiên cường chiến đấu từ sáng đến tối, diệt 84 tên, đẩy lùi trận càn, bảo vệ an toàn khu căn cứ.

Lần khác, trong một trận càn của địch vào căn cứ, “cọp Tây Ninh” trước khi rút lui cố tình để lại mấy thùng đạn đại liên (thường dùng chứa tài liệu), trong đó gài lựu đạn. Khi địch khui ra, thùng “tài liệu” nổ tung làm 16 tên chết tại chỗ, số bị thương nhiều vô kể.

Rồi có lần, đang ăn cơm, ông Chiến chỉ huy bốn chiến sĩ phối hợp du kích xã chiến đấu từ trưa đến tối, “cách chơi” của hai bên là dùng lựu đạn ném qua, ném lại. Bị thương nặng, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉ huy các chiến sĩ bình tĩnh chống trả và cả tiểu đoàn địch đã phải rút lui sau nhiều thương vong.

Không được học chữ nhưng năm 1972, Phạm Văn Chiến được đưa sang khu vực giáp biên giới Campuchia tham dự khóa huấn luyện trinh sát do Bộ Công an tổ chức. Từ khóa huấn luyện đặc biệt này, ông trở về địa phương thực hành. Đó là nhiệm vụ tiêu diệt tên cảnh sát ác ôn Lê Văn Ngộ có nhiều nợ máu với nhân dân.

Lần đó, tên Ngộ cùng năm lính bảo vệ mang tiểu liên xuống ấp. Ông Chiến vui vẻ đi đến gần, tay cầm súng bóp cò và gầm lên vang dội. Biết uy danh của “cọp Tây Ninh”, nhóm cảnh sát bảo vệ bỏ chạy tán loạn, “cọp Tây Ninh” bình tĩnh lột hết vũ khí của tên Ngộ, lục soát thu được cuốn sổ ghi chép 36 cơ sở chống phá cách mạng mà Ngộ xây dựng được rồi cùng đồng đội thoát đi.

Một lần khác, “cọp Tây Ninh” đóng vai người “vợ” cùng chồng đi làm đồng, tay xách chiếc gầu giấu khẩu súng đã lên nòng. Cặp “vợ chồng” bước vào xin gặp tên ác ôn chủ ấp và tặng một phát đạn khiến hắn gục trên bàn nhậu, chung quanh đám lâu la đệ tử run rẩy khi biết người “vợ” là “cọp Tây Ninh”.

Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phước Lê Thị Cẩm Nhung cho biết, toàn đảng bộ có 16 chi bộ trực thuộc với 362 đảng viên, đảng viên Phạm Văn Chiến là một trong các đồng chí tiêu biểu được lớp trẻ noi gương học tập. Ông Chiến có ba người con trai đều đã trưởng thành, làm việc ở địa phương như nhân viên bưu điện, lái xe, giáo viên. Điều mãn nguyện của vị anh hùng này chính là các con ông không phải trải qua chiến tranh, được học hành.

Đáp lại mong ước “đừng để con cháu vì nghèo mà thiếu học hành như tôi” của Anh hùng LLVTND Phạm Văn Chiến, Đảng bộ xã Thanh Phước hôm nay luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học.

Hằng năm, tỷ lệ học sinh trong xã lên lớp ở các cấp học đạt 99,5% trở lên, tỷ lệ học sinh bỏ học được kéo giảm. Việc huy động trẻ 6 tuổi ở địa phương ra lớp đạt 100%, xã duy trì chuẩn quốc gia phổ cập ở ba cấp học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở… Đời thường của “cọp Tây Ninh” Phạm Văn Chiến giờ đây thật hạnh phúc trên quê hương Thanh Phước anh hùng của ông!.