Động lực mới để phát triển
Lịch sử đã chứng kiến Bắc Ninh và Bắc Giang từng hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc từ năm 1962 đến năm 1996.
Năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự và nói chuyện tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I, tổ chức tại thị xã Bắc Giang ngày 17/10/1963. Người căn dặn: “Ngày nay hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũng phải tuyệt đối tránh địa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh này bị nhập vào tỉnh kia. Sự thật là do hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp. Sáp nhập tổ chức là về hình thức. Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm”.
Ngày 1/7/2025, một lần nữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang tái hợp nhất, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vang vọng, dẫn dắt tỉnh Bắc Ninh mới "chắp cánh vươn mình" hướng tới tương lai.
Việc tái hợp tỉnh như một biểu tượng cho sự kết hợp hài hòa giữa hai vùng đất, hai nền kinh tế và hai nền văn hóa để bứt tốc phát triển trở thành thành phố trực thuộc trung ương đầu tiên của cả nước sau khi vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp.
Từ năm 1997, sau khi tách ra, cả hai tỉnh đều đạt được những thành tựu đáng kể. Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp với sức thu hút đầu tư nước ngoài lớn, trong khi Bắc Giang vươn mình mạnh mẽ, tốc độ phát triển kinh tế trong những năm gần đây luôn trong tốp đầu cả nước, trở thành một tỉnh công nghiệp, đồng thời có nền nông nghiệp vững chắc, với nhiều tiềm năng về du lịch và văn hóa.
Tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích hơn 4.700km², dân số hơn 3,6 triệu người, và 99 đơn vị hành chính cấp xã.
Tỉnh Bắc Ninh mới có diện tích hơn 4.700km², dân số hơn 3,6 triệu người, và 99 đơn vị hành chính cấp xã.
Trung tâm hành chính được đặt tại thành phố Bắc Giang, không chỉ vì vị trí địa lý thuận lợi, mà còn vì cơ sở hạ tầng hiện có, bao gồm các tòa nhà hành chính hiện đại.
Với sự đồng thuận cao từ người dân (hơn 98% cử tri ủng hộ), tỉnh mới đang được xây dựng trên nền tảng của sự đoàn kết và quyết tâm.

Nền tảng tạo sức bật phát triển
Tỉnh Bắc Ninh trước đây với diện tích nhỏ, dân số đông và công nghiệp phát triển mạnh, nay kết hợp với Bắc Giang, có diện tích lớn hơn, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và tiềm năng du lịch, nông nghiệp.
Sự kết hợp này tạo nên một nền kinh tế đa dạng, cân bằng, có khả năng thu hút đầu tư lớn hơn.
Bắc Ninh cũ thuộc nhóm đầu cả nước về thu hút FDI với 4,8 tỷ đô la năm 2024, trong khi Bắc Giang cũ đạt 2,04 tỷ đô la, xếp thứ 10.
Sự kết hợp này sẽ tạo nên một trung tâm công nghiệp, cực tăng trưởng mới cho Vùng Thủ đô và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tỉnh Bắc Ninh cũ nằm ở vị trí chiến lược, là cửa ngõ của Hà Nội và nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Tỉnh Bắc Giang cũ với vị trí giao thông thuận lợi, kết nối với các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, đường Vành đai 4 và các cửa khẩu quốc tế phía bắc.
Năm 2024, tỉnh Bắc Ninh có tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng, quy mô nền kinh tế GRDP ước đạt hơn 221 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó tỉnh Bắc Giang thu ngân sách đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 218 nghìn tỷ đồng năm 2024.
Sau khi hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh mới trở thành một thực thể kinh tế có GRDP hơn 439 nghìn tỷ đồng, là tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn thứ 5 toàn quốc, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai. Đây là tiền đề, nền tảng mạnh mẽ để Bắc Ninh mới trở thành một trung tâm kinh tế-đô thị, có khả năng kết nối và phát triển mạnh mẽ.
Việc giảm số lượng đơn vị hành chính từ hai tỉnh xuống một tỉnh không chỉ giảm chi phí, mà còn tăng cường sự phối hợp, giảm thiểu trùng lặp và nâng cao hiệu quả quản lý. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Theo Đề án sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh mới giảm 80 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ giảm 66,11%, tạo điều kiện cho việc quản lý hiệu quả hơn.

Cánh cửa mở ra tương lai
Xây dựng sân bay Gia Bình, một dự án trọng điểm quốc gia, là một trong những cánh cửa mở ra tiềm năng phát triển của tỉnh Bắc Ninh mới.
Dự án không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn mang tầm quan trọng an ninh-quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế của Bắc Ninh trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
Dự án có tiến độ triển khai nhanh chóng, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng sớm giai đoạn 1 và khởi công đúng kế hoạch. Giai đoạn 2 đang được nghiên cứu để nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế, hỗ trợ giảm tải cho sân bay Nội Bài.
Sân bay Gia Bình không chỉ là một công trình hạ tầng mà còn mở ra cánh cửa cho sự phát triển toàn diện.
Ngay từ cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh mới, ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương bắt tay vào điều chỉnh quy hoạch tỉnh với những dự án xây dựng hệ thống giao thông kết nối với sân bay Gia Bình, thành phố Hà Nội và trung tâm logistics sẽ tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hiện đại; quy hoạch khu đô thị trung tâm mới hướng đến xây dựng Bắc Ninh một thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống, mang bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh mới sẽ thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới.
Việc sáp nhập Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Bắc Ninh mới đang mở ra một chương mới cho sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng.
Với sự kết hợp giữa đồng bằng và miền núi, tỉnh Bắc Ninh mới đang sẵn sàng "chắp cánh vươn mình" để trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa và đô thị hàng đầu của cả nước.