Tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, đồng chí Phan Đình Trạc cùng đoàn đại biểu bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta và nhân dân ta, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng hình ảnh của Người luôn sống mãi với non sông, đất nước Việt Nam, tư tưởng của Người luôn soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu nguyện mãi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người.

Cùng ngày, đồng chí Phan Đình Trạc và đoàn đại biểu cũng đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đô Lương, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào, Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đô Lương là nơi yên nghỉ của 2.241 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào được xây dựng từ năm 1976 trên diện tích gần 7ha, là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.
Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam-Lào và là công trình biểu tượng tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc anh em.
Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 phần mộ các liệt sĩ hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là nơi in dấu những bước chân sục sôi chiến đấu trong độ tuổi thanh xuân của hàng trăm nghìn thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; những cô gái, chàng trai đã mang tuổi 18, đôi mươi của mình đi vào chiến tranh lửa đạn với toàn bộ sự lạc quan, khát vọng sống và trách nhiệm cùng đất nước.
Có 1.240 người con ưu tú đã ngã xuống trên cung đường huyền thoại, tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong Đại đội 317, ngày 31/10/1968, khi chỉ còn vài giờ nữa là lệnh ngừng ném bom miền bắc có hiệu lực.