Động lực tăng trưởng mới từ giá trị văn hóa các dân tộc

Bình Phước có 41 dân tộc anh em sinh sống đã tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc. Ðây là một trong những lợi thế để tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm giá trị văn hóa và ẩm thực của các dân tộc.
Người Mnông ở huyện Bù Ðăng gìn giữ nghề đan gùi truyền thống của dân tộc mình.
Người Mnông ở huyện Bù Ðăng gìn giữ nghề đan gùi truyền thống của dân tộc mình.

Trong những năm gần đây, Bình Phước xác định phát triển văn hóa song hành cùng phát triển kinh tế-xã hội sẽ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để tỉnh nhà khẳng định vị thế và bản sắc của mình trong kỷ nguyên mới.

Ðể phát huy giá trị văn hóa trong kỷ nguyên mới, trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Phước đã định hướng: "Xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện gắn với mục tiêu phát triển con người, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Bình Phước, thúc đẩy các ngành dịch vụ văn hóa, văn hóa cộng đồng, bảo tàng, bảo tồn, sáng tác văn học, nghệ thuật".

Ðến nay, Bình Phước có 102 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có các di tích chiến tranh như: Di tích quốc gia đặc biệt Ðường Trường Sơn-Hồ Chí Minh, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy các Lực lượng vũ trang miền nam Việt Nam, Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2, bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xtiêng sóc Bom Bo, núi Bà Rá…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết, với thế mạnh một nền văn hóa đa dạng, bản sắc, vừa đậm đà giá trị văn hóa của dân tộc, vừa giàu có bản sắc của địa phương; với nhiều đặc tính nổi trội hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo… là thế mạnh, động lực mới để tỉnh nhà phát triển. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các giải pháp nhằm phát huy sức mạnh văn hóa như: Xây dựng nền tảng thể chế và chính sách phù hợp với bối cảnh mới; đầu tư vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ các sáng kiến văn hóa sáng tạo; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức và cá nhân vào lĩnh vực văn hóa; xây dựng văn hóa số để nâng tầm văn hóa lên tầm cao mới, đáp ứng với sứ mệnh sức mạnh mềm trong kỷ nguyên mới.

Cũng theo đồng chí Trần Tuyết Minh, trong bối cảnh phát triển hiện nay, tốc độ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng nhanh, Bình Phước cần phải nêu cao tinh thần gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa địa phương, của đất nước Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, ngoại giao kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Ðể nguồn mạch văn hóa được nối dài, sự gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trong cuộc sống hiện đại là rất khó khăn. Ý thức của mỗi người dân, mỗi dân tộc anh em về gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình không bị mai một là yếu tố then chốt.

Ngoài tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em, người Tày, Nùng sinh sống trên đất Bình Phước đã nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Thí dụ, một trong những hương vị Tết bình dị của đồng bào Tày, Nùng là làm cốm và bánh khô để dâng cúng ông bà tổ tiên và là món để trẻ nhỏ thưởng thức vẫn được duy trì mỗi độ Tết đến, xuân về.

Ông Ðàm Xuân Lựu, người dân tộc Tày ở xã Tân Phước, huyện Ðồng Phú cho biết, người Tày có nhiều nét đẹp văn hóa, ẩm thực.

"Trong cuộc sống hiện đại, nhiều loại bánh, kẹo thơm ngon nhưng những món cốm truyền thống của người Tày có một hương vị khác biệt, do đó, lò cốm thủ công của gia đình tôi vẫn đỏ lửa quanh năm cho dù cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm. Thường lò cốm chỉ nhộn nhịp từ mồng 10 tháng Chạp, đông dần lên đến Tết. 25 năm gắn bó nghề làm cốm, tôi vui nhất là dịp cuối năm, khi bà con vẫn nhớ đến hương vị của dân tộc mình", ông Lựu bày tỏ.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Ðăng, chị Ðiểu Thị Xia (đồng bào Xtiêng) luôn khao khát lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thừa hưởng tố chất của người phụ nữ Xtiêng với đôi tay khéo léo và đức tính chăm chỉ, từ nhỏ chị Xia đã được mẹ dạy dệt thổ cẩm truyền thống. Không ngừng học tập và sáng tạo, chị Xia khéo léo dệt áo, khố, váy, khăn và đã tạo ra những sản phẩm tiện dụng, phù hợp thị hiếu như túi xách, trang phục công sở, khăn, giày, dép... làm phong phú và đa dạng loại hình thổ cẩm của dân tộc mình.

Bên cạnh thổ cẩm, chị Xia tự hào vì gia đình còn lưu giữ, bảo tồn phương thức lên men và ủ rượu cần - thức uống đặc trưng của người Xtiêng. Rượu cần ủ càng lâu, chất lượng càng thơm ngon. Gia đình chị đang có cả trăm bình rượu với kích cỡ đủ loại luôn sẵn sàng phục vụ, quảng bá cho khách đến tham quan trên địa bàn cũng như các dịp triển lãm, giới thiệu ở tỉnh, thành phố khác.

Chị Xia chia sẻ: "Nặng lòng với các sản phẩm của đồng bào Xtiêng, tôi luôn cố gắng học hỏi, nắm bắt kinh nghiệm làm các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình từ thế hệ đi trước. Ðặc biệt từ khi rượu cần và dệt thổ cẩm của đồng bào Xtiêng ở Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, tôi đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm lên mạng xã hội như Facebook, Zalo… Ðây là điều kiện, cơ hội thuận lợi để đưa sản phẩm của dân tộc mình vươn xa. Qua đó nối dài mạch nguồn các sản phẩm văn hóa của dân tộc".