Tỉnh Đồng Nai về đích năm 2024 với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) đạt 260.229 tỷ đồng, tăng 8,02%; GRDP bình quân đầu người đạt 148,9 triệu đồng/người/năm, tăng 9,1% so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, so với cuối năm 2023, thu hút vốn đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 130.700 tỷ đồng, gấp 10,5 lần; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 34%. Lũy kế 1.105 dự án đầu tư trong nước trên địa bàn với tổng số vốn khoảng 451.000 tỷ đồng và 1.685 dự án FDI với số vốn hơn 35 tỷ USD tính đến thời điểm này, sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kết quả thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 24/11 của Đồng Nai là hơn 61.700 tỷ đồng, đạt 110% dự toán; ước giải ngân vốn đầu tư công cả năm đạt hơn 95% kế hoạch… cũng sẽ tạo thêm nguồn lực đáng kể và trở thành động lực trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian tới.
Những thành quả nổi bật, thực chất nêu trên chính là cơ sở thực tiễn để lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tính toán, thống nhất quyết định mục tiêu tăng trưởng kinh tế 10% năm 2025 cho địa phương. Theo đó, mức tăng trưởng hai con số được xác định cụ thể hóa ở các chỉ tiêu chủ yếu như: Phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người 158,7 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8,0% trở lên; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 134.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt dự toán được giao.
Mục tiêu hai con số là chắc chắn phải cố gắng để đạt được, và giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai cũng phải đạt mức tăng trưởng bình quân 12,4% trở lên/năm thì mới bảo đảm theo nội dung Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Để đạt tăng trưởng 10% thì tất cả các ngành kinh tế trên địa bàn phải tích cực đóng góp, chủ yếu là lĩnh vực công nghiệp-xây dựng sẽ tạo đột phá và đem lại cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu cho nền kinh tế.
Trên hết là ý chí quyết tâm chính trị rất lớn của cả hệ thống chính trị, tinh thần chung sức, chung lòng vượt khó, năng động, sáng tạo của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn sẽ quyết định quá trình nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này trong bối cảnh Đồng Nai vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu kinh tế hiện hữu.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, qua phân tích cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai chậm dần, chất lượng tăng trưởng cũng có xu hướng giảm, đối diện nguy cơ tụt hậu. Các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế chưa phát huy hiệu quả. Lãng phí trong sử dụng đất đai, khoáng sản; kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa tương xứng với sự phát triển của tỉnh; lượng vốn lớn bị đóng băng vào bất động sản. Mục tiêu tăng trưởng GRDP 10% đặt ra trong điều kiện sân bay quốc tế Long Thành và các cực tăng trưởng kinh tế còn trong giai đoạn xây dựng. Vì vậy, cần đánh giá lại toàn diện các yếu tố, cực tăng trưởng trước đây đã từng đóng góp cho tỉnh. Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh, thực tiễn đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành tỉnh giàu mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, các giải pháp để đạt mức tăng trưởng 10% đã được thực hiện rồi, nhưng nay tinh thần phải đổi mới, quyết liệt hơn. Trong sản xuất công nghiệp-xây dựng, phải đẩy mạnh các ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu, còn nhiều dư địa tăng trưởng. Ngay từ bây giờ, phải có giải pháp vượt qua rào cản, thúc đẩy thị trường xuất khẩu bền vững, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường mà Đồng Nai đang có lợi thế lớn. Đồng Nai kỳ vọng vào các dự án mới, nhất là kết quả cụ thể đến từ nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, giáo dục thời gian gần đây sẽ tạo hành lang pháp lý và niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, kích hoạt được mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
Nghiêm túc khắc phục tình trạng chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh bảo đảm chất lượng, qua đó, chống lãng phí, phát huy vai trò động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng là nhiệm vụ Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh tại kỳ họp cuối năm. Liên quan vấn đề này, đồng chí Võ Tấn Đức yêu cầu:“Ngay từ đầu năm 2025, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vốn đầu tư công được giao, xây dựng đường găng (gantt) giải ngân theo từng tuần, tháng, quý để dễ theo dõi, đôn đốc tiến độ. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân từng dự án”.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà nhấn mạnh vấn đề tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Nằm trong danh sách nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu lúc này là cấp bách lập quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, kịp thời bổ sung quỹ đất các khu công nghiệp, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, làm cơ sở mời gọi thu hút vốn, không bỏ lỡ cơ hội đón làn sóng đầu tư quay trở lại. Cùng với đó, xúc tiến đấu giá đất thành công, đẩy nhanh tháo gỡ “điểm nghẽn” các dự án bất động sản đóng băng, nhằm khơi thông nguồn vốn đáng kể.
Làm cách nào để tăng trưởng hai con số là nhiệm vụ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai hết sức trăn trở, chú trọng hiện nay. Nhanh chóng định vị lại những cơ hội, thách thức, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, dự báo đúng từ xa, từ sớm, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, khát vọng phát triển để chủ động tìm tòi hướng đi, cách làm sáng tạo trên tinh thần kế thừa, đổi mới, kiên định là yêu cầu đặt ra đối với hệ thống chính trị và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ở Đồng Nai.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, để đạt được mức tăng trưởng hai con số, các ngành, các cấp trong tỉnh phải đồng lòng, quyết tâm cao tháo gỡ được những điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Muốn như vậy, đội ngũ cán bộ phải hành động quyết liệt với tư duy mới, cách làm mới, kiên trì theo đuổi những mục tiêu tốt đẹp, đồng thời linh động, sáng tạo trong giải pháp để đạt được mục tiêu đó; kiên quyết gỡ bỏ những tư duy cũ, cách làm chậm chạp, cản trở sự phát triển; tăng cường lắng nghe phản biện, cầu thị tiếp thu những ý kiến tích cực và phải sớm đi đến những quyết định đúng đắn, không để mất cơ hội thêm nữa cho sự phát triển của mảnh đất giàu tiềm năng.