Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt thấp trong thời gian qua.
Người dân yêu cầu bồi thường gấp 5 lần
Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan đã đi thị sát và làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh cùng các đơn vị liên quan về tiến độ Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (đoạn qua huyện Bình Chánh).
Chủ đầu tư đoạn song hành Quốc lộ 50 (thuộc Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50) là Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc (gọi tắt là Công ty Khang Phúc) cho biết, vướng mắc chính khiến tiến độ của đoạn này chậm là vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng của 8 hộ dân.
Ông Phạm Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Khang Phúc cho biết, 8 hộ dân đang vướng mặt bằng nêu trên yêu cầu bồi thường với giá rất cao so với phương án bồi thường công ty công bố. Ông Nhựt cho biết, một trường hợp có diện tích đất thu hồi là 277 m2 và theo phương án bồi thường, trường hợp này được tái định cư 180 m2, còn lại là nhận khoảng 320 triệu đồng.
Nếu hộ dân này không nhận nền mà nhận tiền thì sẽ nhận khoảng 1,8 tỷ đồng. Song hộ dân đề nghị bồi thường 10 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần phương án bồi thường của công ty đưa ra). Lý do hộ dân này yêu cầu mức tiền bồi thường 10 tỷ đồng là do đây là khu đất nằm ở mặt tiền đường Trịnh Quang Nghị. Với những trường hợp còn lại, tương tự, người dân đều yêu cầu mức giá bồi thường gấp từ 5-7 lần so với giá chủ đầu tư công bố.
Thí dụ, một trường hợp có phương án bồi thường 390 triệu đồng nhưng yêu cầu là 8,3 tỷ đồng; một hộ dân đòi bồi thường tăng từ 2,5 tỷ đồng lên 15,5 tỷ đồng (gấp hơn năm lần) hay phương án bồi thường của công ty đưa ra là 2,2 tỷ đồng nhưng người dân yêu cầu 15 tỷ đồng (gấp 7 lần). “Công ty cũng có thể hỗ trợ thêm ngoài phương án cho 8 hộ dân nhưng yêu cầu đưa ra của các hộ dân hiện nay rất cao cho nên chủ đầu tư khó đáp ứng được” - ông Nhựt cho biết.
Nhằm gỡ vướng cho dự án này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan yêu cầu lãnh đạo huyện Bình Chánh sớm xuống làm việc với 8 hộ dân, nhất là phải phân tích để người dân thấy rõ giữa phương án bồi thường của Nhà nước và phương án bồi thường của doanh nghiệp như hiện nay thì người dân được hưởng lợi như thế nào; đồng thời, người dân cần chia sẻ vì lợi ích chung của dự án.
Doanh nghiệp bồi thường cho người dân thì Nhà nước cũng phải bồi thường cho doanh nghiệp. Dự án Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 là dự án giao thông trọng điểm, khởi công vào tháng 12/2022, giải quyết kết nối giao thông khu vực cửa ngõ giao giữa đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) với tỉnh Long An.
Tương tự, một số dự án giao thông trọng điểm khác cũng vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dẫn đến kéo dài thời gian thi công, thậm chí phải lùi thời gian đưa vào khai thác là dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) còn 13 trường hợp chưa đồng ý bàn giao mặt bằng; dự án Nút giao thông An Phú ở thành phố Thủ Đức (cửa ngõ phía đông thành phố) được khởi công cuối năm 2022, dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp 30/4/2025 nhưng thực tế gặp một số khó khăn về mặt bằng, vừa thi công vừa duy trì tổ chức giao thông nên phải giãn tiến độ.
Tỷ lệ giải ngân vốn bồi thường thấp
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Phạm Trung Kiên, hai dự án trọng điểm của thành phố thực hiện theo hình thức PPP cần sớm được tháo gỡ về thủ tục, cũng như có giải pháp huy động nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành là Dự án giải quyết ngập do triều tại Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án đường vành đai 2 (đoạn qua thành phố Thủ Đức), tránh tình trạng lãng phí do thực hiện kéo dài.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2024, tổng số vốn sử dụng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố khoảng 33.000 tỷ đồng (chiếm 38% tổng vốn đầu tư công thành phố phải giải ngân). Tuy nhiên, thành phố mới chỉ giải ngân được 3.000 tỷ đồng trong số 33.000 tỷ đồng phải giải ngân.
Theo Sở lý giải nguyên nhân là do khi Luật Đất đai 2024 chuyển thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thành ngày 1/8/2024 thì phần lớn số vốn bố trí năm 2024 đã không thể giải ngân theo tiến độ và các dự án phải điều chỉnh lại đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng để bảo đảm tránh khiếu kiện, khiếu nại và tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai mới.
Ngoài ra, hạn chế từ việc các trường hợp khiếu nại về chính sách bồi thường tại các dự án, công trình trọng điểm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư.
Cũng theo Ủy ban nhân dân thành phố, một số dự án khi tính toán lại chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định mới đã làm tăng tổng mức đầu tư, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và phải thực hiện điều chỉnh dự án mới đủ điều kiện giải ngân chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Điển hình hai dự án bị ảnh hưởng rất lớn do phải xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 là Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp) và Dự án Bờ Bắc kênh Đôi (Quận 8). Hiện, thành phố vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các thủ tục để có thể giải ngân cho cả hai dự án này vào cuối năm nay với số vốn là hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 23% tổng số vốn phải giải ngân cả năm của thành phố).