Dự báo tình hình sinh vật gây hại lúa từ ngày 28/7 đến 3/8

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, trong tuần này các loại sinh vật gây hại chính như ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng… tiếp tục phát sinh, gia tăng diện tích gây hại tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nông dân ở xã Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh làm đất gieo cấy lúa vụ hè thu-mùa. (Ảnh: Đăng Khoa)
Nông dân ở xã Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh làm đất gieo cấy lúa vụ hè thu-mùa. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tại các tỉnh Bắc Bộ, ốc bươu vàng, chuột, bệnh nghẹt rễ, bệnh đốm sọc vi khuẩn có chiều hướng gây hại tăng. Bên cạnh đó, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, ruồi đục nõn, tuyến trùng rễ, bệnh đạo ôn, bệnh đốm nâu... gây hại nhẹ.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ, sâu cuốn lá nhỏ chủ yếu là sâu non lứa 5 tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên lúa hè thu giai đoạn làm đòng-trỗ bông, lúa mùa giai đoạn đẻ nhánh-đứng cái, gây trắng lá trên những diện tích có mật độ cao không được phun trừ kịp thời.

Ngoài ra, rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên lúa hè thu làm đòng-trỗ bông, gây vàng lá, cháy chòm tại những diện tích có mật độ sâu cao nếu không được phun trừ kịp thời.

Chuột tiếp tục phát sinh gây hại tăng trên các trà lúa, hại nặng trên trà lúa đòng trỗ gần gò bãi, mương máng. Bên cạnh đó, bệnh khô vằn phát sinh gây hại tăng nhanh, sâu đục thân, bệnh bạc lá... sẽ phát sinh gây hại có xu hướng tăng tại các tỉnh trong vùng.

Tại các tỉnh duyên Hải Nam Trung Bộ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép thối hạt, bệnh khô vằn,… tiếp tục gây hại rải rác trên lúa hè thu sớm giai đoạn trỗ-chín. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đốm nâu,… hại lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh-đòng trỗ.

Còn ở khu vực Tây Nguyên, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép thối hạt, bệnh khô vằn,... gây hại rải rác lúa hè thu sớm giai đoạn đòng-trỗ. Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, bệnh đốm nâu,… tiếp tục gây hại lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh-đòng trỗ. Ốc bươu vàng, bọ trĩ,... gây hại rải rác lúa mùa giai đoạn sạ-mạ. Chuột gia tăng gây hại trên các trà lúa, nhất là trên lúa hè thu giai đoạn đòng-trỗ và hại giống gieo lúa vụ mùa.

Tại các tỉnh Nam Bộ, rầy nâu phổ biến tuổi trưởng thành mang trứng, gây hại phổ biến xuất hiện gây hại trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh-đòng trỗ ở mức nhẹ-trung bình.

Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do sinh vật hại gây ra, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tăng cường theo dõi, dự tính, dự báo và kiểm tra tình hình sâu bệnh hại sau mưa bão, kịp thời hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả, không để phát sinh thành dịch. Đặc biệt lưu ý giám sát rầy lưng trắng truyền virus gây bệnh lùn sọc đen trên lúa; lấy mẫu giám định virus để chủ động phòng, chống…

Các tỉnh trồng lúa khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại chính trên lúa hè thu 2025 và lúa thu đông để chủ động các biện pháp phòng chống. Hướng dẫn nông dân áp dụng “Quy trình quản lý tổng hợp sinh vật gây hại (IPM) trên cây lúa.

Duy trì phong trào ra quân diệt chuột ở các địa phương; củng cố hệ thống bẫy đèn, mạng thông tin nhằm phục vụ cho công tác dự tính dự báo sinh vật gây hại và chỉ đạo bảo vệ tốt sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

back to top