Du lịch ở cực Tây Tổ quốc

Người Hà Nhì ở Sín Thầu gìn giữ núi rừng và bản sắc qua từng đường kim mũi chỉ, đón khách bằng nụ cười, bữa cơm quê, khúc hát cổ. Những “đại sứ du lịch” đặc biệt ấy biến chính cội rễ thành nguồn sống mới đầy tự hào.

Đồng bào Hà Nhì ở xã Sín Thầu, tỉnh Điện Biên trong ngày hội. (Ảnh TRƯƠNG HỮU THIÊM)
Đồng bào Hà Nhì ở xã Sín Thầu, tỉnh Điện Biên trong ngày hội. (Ảnh TRƯƠNG HỮU THIÊM)

Xã Sín Thầu - nơi cực Tây Tổ quốc, mảnh đất biên viễn của tỉnh Điện Biên, lặng lẽ giữa đại ngàn nhưng ẩn chứa nhiều tiềm lực nhờ vẻ đẹp hoang sơ và chiều sâu văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Từ dấu mốc thiêng liêng A Pa Chải, đến những cảnh vật, lễ hội bản địa mang đậm hồn núi rừng, vùng đất này đang thu hút không ít du khách đến để ghi dấu ấn trên hành trình khám phá những vẻ đẹp chân phương nhưng đầy mê đắm của cảnh sắc biên cương.

Những “đại sứ du lịch” đặc biệt

Nơi núi rừng nối tiếp núi rừng ấy, với cộng đồng người Hà Nhì, rừng là bầu không khí trong lành buổi sớm mai, là tiếng suối róc rách ru con, là bóng cây râm mát có chợ phiên tụ họp, là nguồn cội của mọi sinh kế và tín ngưỡng. Rừng bao bọc làng bản như vòng tay người mẹ. Người Hà Nhì gìn giữ từng gốc cây, từng khe suối như huyết mạch mình. Bà con tin rừng thiêng không được săn bắn, đốn hạ; tin rừng có linh hồn, sự sống. Trong không gian bền bỉ sắc xanh ấy đã hình thành một nếp sống đẹp đẽ: Thuận theo tự nhiên, đạo lý và những giá trị lâu bền nhất. Đó là nền tảng để người Hà Nhì gìn giữ văn hóa, nuôi dưỡng bản sắc và mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển mà không đánh đổi bằng sự mất mát của núi rừng.

Giờ đây, nhịp sống mới đã hiện hữu trong những căn nhà trình tường mộc mạc ở xã Sín Thầu khi trở thành homestay đón khách bốn phương. Trong câu chuyện bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch của người Hà Nhì, phụ nữ đóng vai trò then chốt, từ khâu chuẩn bị chăn màn, nấu ăn, đón tiếp, đến việc lan tỏa phong tục tập quán, hát múa dân ca trong các chương trình giao lưu.

Họ như “đại sứ du lịch” không cần danh hiệu mà luôn thấm đẫm niềm tự hào dân tộc trong từng cử chỉ, lời nói. Và như một lẽ tất nhiên, nghề may trang phục truyền thống của đồng bào Hà Nhì không chỉ dừng lại ở việc phục vụ bản thân, gia đình mà đang dần trở thành sản phẩm du lịch có giá trị. Các bộ áo váy truyền thống do chính bàn tay phụ nữ Hà Nhì làm ra nay được khách du lịch tìm mua, thuê mặc để chụp ảnh, tham gia lễ hội; những mũi kim xưa từng chỉ lặng lẽ khâu vá bên bếp lửa nay đã trở thành cầu nối giữa bản làng và thế giới bên ngoài.

Với người Hà Nhì, đặc biệt với phụ nữ, bộ trang phục truyền thống trở thành niềm tự hào, thể hiện bàn tay đảm đang, khéo léo và vẻ đẹp tâm hồn. Từ chiếc mũ đội đầu công phu, áo dài xẻ ngực với viền tay rực rỡ như cầu vồng cho đến chiếc áo ngắn đính khuy bạc…, mọi chi tiết đều được tạo nên bằng sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Chị Pờ Mỳ Lế, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu - người phụ nữ Hà Nhì điển hình trong bảo tồn văn hóa truyền thống - cho biết: “Một bộ trang phục đầy đủ có thể mất hơn ba tháng để hoàn thành, nếu tự tay làm. Còn nếu mua của đồng bào, giá có thể lên tới 6-7 triệu đồng. Nhưng giá trị đâu chỉ ở tiền bạc mà quan trọng hơn hết đó là niềm tự hào dân tộc”.

Trang phục truyền thống phục vụ đời sống tinh thần trong các dịp lễ Tết, cúng tổ tiên hay lễ hội bản làng, đồng thời cũng mang lại sức hút với du khách, đưa họ đến gần hơn với văn hóa dân tộc Hà Nhì. Nhiều du khách đến A Pa Chải, khi tham quan các thôn bản hay lưu trú ở homestay đều ấn tượng sâu sắc bởi sắc áo phụ nữ Hà Nhì rực rỡ mà vẫn giữ được nét mộc mạc, hài hòa.

Chiều chiều, khi ánh hoàng hôn buông xuống thung lũng, khói bếp quẩn quanh trên mái nhà trình tường, người ta vẫn thường gặp cảnh bà thêu khăn, mẹ khâu áo, con gái ngồi bên học lỏm từng mũi chỉ đầu tiên. Trong đời sống cộng đồng người Hà Nhì, phụ nữ là người giữ lửa bếp nhà, cũng là người giữ lửa văn hóa, trao truyền những tinh hoa bản tộc qua từng thế hệ bằng chính đôi bàn tay khéo léo và trái tim đầy tự hào.

Chị Pờ Mỳ Lế không giấu được xúc động khi kể về bộ trang phục đầu tiên mà mẹ chị làm cho năm chị lên bảy tuổi: “Đó là bộ váy áo đỏ, thêu hoa văn ở cổ tay, viền khăn màu chàm. Mẹ tôi bảo, con gái Hà Nhì đến tuổi đi học là phải biết mặc trang phục của mình để không quên mình là ai”. Từ đó, chị bắt đầu học thêu thùa, rồi về sau tự tay may áo cho con gái mình. Truyền thống ấy cứ lặng lẽ tiếp nối bao thế hệ tựa dòng chảy âm thầm giữa đại ngàn. Mỗi người bà, người mẹ là một người thầy, dạy con cháu bằng lời nói, việc làm, từ giữ gìn phong tục cúng tổ tiên, làm bánh dày ngày Tết, đến cách ứng xử trong gia đình, thôn bản.

Trong nhịp sống hiện đại đã len vào bản làng, nhiều bạn trẻ người Hà Nhì vẫn chủ động quay lại học nghề may vá, gìn giữ tiếng hát, điệu múa cổ, và cũng là để làm du lịch. Những cô gái Hà Nhì giờ đây không chỉ quanh quẩn với ruộng nương, mà còn trở thành hướng dẫn viên du lịch, nghệ nhân trẻ, chủ hộ kinh doanh homestay… Các bé gái từ khi biết đi đã được mặc váy áo truyền thống. Mỗi dịp lễ hội lớn của đồng bào Hà Nhì, như Tết mùa mưa hay lễ cúng bản, hình ảnh những người phụ nữ đủ mọi lứa tuổi cùng nhau diện váy áo, múa hát quanh đống lửa vừa thiêng liêng vừa thân thương.

Nghệ thuật làm trang phục truyền thống Hà Nhì được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023 chính là một động lực lớn để phụ nữ Hà Nhì tiếp tục giữ gìn, lan tỏa văn hóa từ những điều giản dị hằng ngày: Từ lao động sản xuất, dệt vải, đón khách… cho đến cách yêu tha thiết mảnh đất mình đang sống qua từng câu chuyện kể, từng lời ca, điệu múa.

Cầu nối giúp hành trình gìn giữ văn hóa bền vững

Hiện nay, ở xã biên giới Sín Thầu, chính quyền địa phương phối hợp cùng các tổ chức xã hội mở các lớp dạy nghề, hỗ trợ nguyên liệu và thiết bị, giúp phụ nữ vừa giữ gìn bản sắc văn hóa của mình, vừa tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị. Sự đồng hành ấy chính là chiếc cầu nối giúp hành trình gìn giữ văn hóa đi xa hơn, vững bền hơn trong cuộc sống mới. Không ít người đã biến chính tay nghề của mình thành sinh kế qua công việc may áo, khăn, túi, mũ đội đầu để bán cho du khách trong nước và quốc tế. Những phiên chợ vùng cao hay các gian hàng nhỏ ngay tại homestay đã trở thành nơi trưng bày những sản phẩm thủ công đậm đà bản sắc Hà Nhì vừa mang đến nguồn thu nhập, đồng thời là cách để văn hóa truyền thống dân tộc “sống” trong đời sống hiện đại.

Trong ngôi nhà trình tường, những phụ nữ tiên phong làm du lịch luôn tự tay nấu cơm tiếp khách. Không hẳn vì thiếu người, mà bởi họ muốn khách được ăn bữa cơm đúng nghĩa của người Hà Nhì với món bánh dày dẻo thơm, thịt hun gác bếp, bát canh lá rừng có vị ngai ngái đặc trưng và quan trọng nhất là sự ấm áp của lòng hiếu khách không dễ bề pha lẫn.

Bên bếp lửa, những người phụ nữ thủ thỉ chuyện trò: “Phụ nữ Hà Nhì từ xưa đã lo mọi việc, từ làm rẫy, nuôi con đến giữ lễ nghi... Giờ làm du lịch cũng khó, nhưng cũng là để giữ những việc xưa kia theo cách mới hơn”.

Bà Su Lò De, nghệ nhân cao tuổi ở Sín Thầu, vẫn lưu giữ hàng chục điệu múa, bài hát dân gian. Mỗi dịp có khách đến bản, bà lại hát, lại múa, rồi kể chuyện bên những đứa trẻ vây quanh, ánh mắt sáng lên giữa những nếp nhăn hiền từ.

“Ngày xưa đi bộ mấy ngày xuống huyện múa hát, giờ già rồi thì múa trong bản, nhưng vẫn vui như cũ”, bà cười, rồi rút từ gùi ra một chiếc khăn thêu dang dở, tiếp tục từng mũi chỉ, như nối tiếp câu chuyện chưa kịp kể hết. Những người như bà là ký ức sống của cả cộng đồng nên điều vương vấn nhất, khiến du khách nhớ mãi về Sín Thầu đâu chỉ là núi, là rừng, mà chính ở những con người lặng lẽ và nhiệt huyết như bà.

Trong một homestay nhỏ ở xã Sín Thầu, các thiếu nữ đang vừa học nấu món truyền thống để đãi khách, vừa học quay video để chia sẻ lên mạng xã hội. Họ cười nói, giới thiệu rôm rả: “Ngày xưa, bà và mẹ chỉ biết thêu vá trong bếp. Giờ con cháu thêu xong hoặc làm được việc gì thì đăng lên mạng, giới thiệu cho khách du lịch, vui lắm!”. Đó là cách người Hà Nhì bước ra khỏi khuôn khổ cũ mà không rời xa cội rễ, biết gìn giữ mà vẫn biết đổi thay.

Theo các chuyên gia du lịch cộng đồng, những mô hình không thể tự phát mà lớn lên. Quan trọng hơn là cần quy hoạch, chiến lược và cần những người hiểu sâu sắc văn hóa địa phương. Chính quyền, các tổ chức xã hội, đội ngũ những người làm văn hóa phải đồng hành để hỗ trợ cộng đồng bước ra từ nếp cũ với sự chủ động, tự tin.

Các lớp tập huấn ngắn ngày về làm du lịch, quản lý homestay, kỹ năng truyền thông, giới thiệu sản phẩm bản địa… đã được tổ chức tại chỗ với ngôn ngữ gần gũi giúp cho phụ nữ Hà Nhì - những người vốn chỉ quen chăm lo ruộng nương, bếp núc - trở thành “chủ nhà chuyên nghiệp” đón khách bằng chính vẻ đẹp nguyên sơ của bản làng mình.

Mô hình du lịch cộng đồng đích thực không nằm ở những căn homestay sơn sửa sạch đẹp, mà nằm ở câu chuyện sống động, đầy xúc cảm sau mỗi nếp nhà. Du khách tìm đến Sín Thầu để ngắm cảnh, song, cũng là để được sống chậm giữa rừng, lắng nghe một điệu hát cổ, để tự tay giã bánh dày ngày Tết, khoác lên mình bộ váy áo thêu tay và cảm nhận hơi thở của một nền văn hóa đang còn thổn thức.

Bởi lẽ đó, việc hỗ trợ phục dựng các lễ hội, bảo tồn làn điệu dân ca, duy trì nghề thêu vá, dệt vải không nên chỉ dừng ở các hội thi, mà cần “sống” trong từng mái nhà, từng lớp học, từng buổi tối nơi bếp lửa. Văn hóa cần phải được tiếp nối trong nhịp sống thường ngày, để từ đó trở thành tài nguyên thật sự cho du lịch.

Theo các chuyên gia phát triển du lịch, người Hà Nhì không cần trở thành hướng dẫn viên chuyên nghiệp để làm du lịch. Họ chỉ cần là chính mình theo cách tự hào và cởi mở: Một cụ già kể chuyện xưa, một người mẹ dạy con vá áo, một đứa trẻ hát bài hát dân tộc giữa sân bản… cũng đủ để khách phương xa thấy mình đang ở vùng đất có linh hồn.

Du lịch cộng đồng nếu được “trao tay” đúng cách sẽ giúp bà con không phải rời bản đi xa để tìm kế sinh nhai, mà có thể biến chính cội rễ của mình thành nguồn sống mới. Đó không phải sự đánh đổi mà là tinh thần hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và phát triển, giữa rừng núi hoang sơ và tương lai rộng mở. Và rồi, trong tiếng gió xào xạc nơi rặng sa mộc, những ngọn lửa âm ỉ từ bao đời lại được nhóm lên trong hy vọng thắp sáng một con đường mới, nơi đồng bào Hà Nhì đi lên bằng chính nỗ lực của mình giữa đại ngàn bình yên và ngẩng cao trong niềm tự hào lặng lẽ.

Có thể bạn quan tâm

back to top