Đưa công nghệ thông tin vào điều trị cho trẻ chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ

NDO -

NDĐT- Từ năm 2010 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp Công ty TNHH IBM Việt Nam thực hiện chương trình tài trợ giáo dục sớm KidSmart cho trẻ em đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội và Bảo trợ trẻ em thuộc 17 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, giúp nhiều trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ phát triển kỹ năng, tư duy và hòa nhập cộng đồng.

Các em nhỏ được hướng dẫn sử dụng chương trình KidSmart
Các em nhỏ được hướng dẫn sử dụng chương trình KidSmart

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình, chúng tôi gặp cháu Hoàng Thị Lụa, SN 2005, là học sinh lớp hai, khi cháu đang cùng các bạn vui chơi sau giờ giải lao giữa tiết học. Cháu Lụa có hoàn cảnh rất đáng thương: bố bị mất trong một tai nạn giao thông và mẹ cũng qua đời sau đó không lâu vì căn bệnh ung thư. Từ ngày mồ côi cha mẹ, Lụa sống rất khép kín và có dấu hiệu trầm cảm, không tiếp xúc chơi đùa với người khác; việc tiếp thu bài học cũng khó khăn…Các ngành chức năng đã quan tâm, giúp đỡ, đưa cháu Hoàng Thị Lụa đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội. Sau hơn một năm điều trị, tình trạng của cháu Lụa đã thay đổi tích cực. Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm cho biết: Được sử dụng phần mềm KidSmart với những bài tập phát triển kỹ năng và tư duy; cháu Lụa đã dần hòa nhập với các bạn học, chơi đùa nhiều hơn và mạnh dạn giao tiếp với người lạ.

Ông Lê Quyết Chiến, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Hiền Ninh (tỉnh Quảng Bình), chia sẻ với chúng tôi về trường hợp cháu Nguyễn Ngọc Minh Thư, SN 2009, được chuẩn đoán khó khăn trong vận động và não chậm phát triển: Năm nay, cháu Minh Thư học mẫu giáo, những buổi học đầu tiên khá nhút nhát và không chịu ngồi học chung với các bạn. Chúng tôi phải làm quen và chơi cùng cháu để tạo sự thân thiết. Từ đó, cháu bắt đầu nghe chúng tôi dỗ dành và cùng chơi với chúng tôi. Nhưng khi hướng dẫn cháu học lại là một khó khăn vì cháu không phân biệt được màu sắc, chưa biết một chữ số nào và không thể phân biệt được các kích thước mặc dù được hướng dẫn rất nhiều lần. Chúng tôi quyết định đưa cháu vào nhóm trẻ chậm phát triển để hướng dẫn sử dụng phần mềm KidSmart. Rất đáng mừng là sau thời gian ngắn sử dụng phần mềm này, cháu đã có những thay đổi tích cực.

KidSmart là sáng kiến nâng cao nhận thức cộng đồng của IBM, nhằm tạo điều kiện giúp đôi tượng trẻ em chịu thiệt thòi như: mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ; trẻ sống ở cùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…tiếp cận với công nghệ thông tin như một công cụ học tập. Từ đó, giúp các em gần gũi, biết chia sẻ với nhau và tạo cho các em bước khởi đầu về các kỹ năng toán học, khoa học…Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ em khó khăn TP Đà Nẵng (Làng Hy vọng) cho biết: Sau khi hướng dẫn trẻ tiếp cận máy tính thông qua sử dụng sản phẩm KidSmart, chúng tôi nhận thấy trong quá trình học tập, trẻ làm toán và nhận biết thế giới tốt hơn. Nhất là các cháu thiểu năng trí tuệ thì khả năng phục hồi về trí tuệ nhanh hơn, các cơ tay, cơ chân có khả năng vận động tốt. Ngoài ra, các em còn được làm quen với kỹ năng lựa chọn, cân nhắc, kích thích khả năng tập trung, thảo luận để giải quyết vấn đề và áp dụng những điều đã làm quen trên máy tính vào thực tế.

Đối với nhóm trẻ em là người dân tộc thiểu số, thường bị hạn chế khả năng nhận thức (bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ), mặc dù trong độ tuổi từ 9-16 tuổi nhưng khả năng nhận thức nhiều em chỉ như trẻ ở nhóm tuổi mần non. Nhiều đơn vị bảo trợ xã hội đã triển khai kế hoạch dạy chương trình Kidsmart cho nhóm trẻ em này và kết quả cho thấy khả năng nhận thức của các em cải thiện đáng kể. Đặc biệt, đối với trẻ em bị mắc bệnh tự kỷ, sau khi được học và chơi Kidsmart, đã tập trung, hoà nhập cộng đồng tốt hơn. Khả năng quan sát và làm toán của các em phát triển và trí nhớ được cải thiện rõ rệt.

Ông Đào Ngọc Thịnh, Phó giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết: Qua các cuộc làm việc, khảo sát tại các đơn vị có sử dụng phần mềm KidSmart; chúng tôi nhận thấy việc sử dụng những chương trình như trên là rất cần thiết và hữu ích đối với nhóm đối tượng trẻ chịu thiệt thòi. Các cháu hăng hái, say mê tham gia trò chơi vì ít có cơ hội được tiếp xúc với các phần mềm công nghệ thông tin hiện đại. Đối với nhóm đối tượng là trẻ tự kỷ và thiểu năng trí tuệ, chương trình KidSmart là sự lựa chọn hữu ích nhất, giống như một bài học bắt buộc trong quá trình điều trị phục hồi, giúp các cháu dần hòa nhập với cộng đồng.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 50 trung tâm nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, chịu thiệt thòi. Vì vậy, sự chung tay giúp đỡ của các ngành chức năng, tổ chức, cá nhân đối với các em là rất cần thiết. Hy vọng, trong thời gian tới, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục mở rộng chương trình; đưa công nghệ thông tin hỗ trợ, giảng dạy và điều trị phục hồi chức năng cho đối tượng trẻ em chịu thiệt thòi, giúp các em có thêm điều kiện vui chơi, học hành và hòa nhập cộng đồng.