Xã luận

Đưa quan hệ Việt Nam - Hà Lan đi vào chiều sâu

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mác Rút-tơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm Hà Lan nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9-4-1973. Từ những năm 90 thế kỷ 20, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước được đẩy mạnh thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác, mà gần đây nhất là chuyến tham dự Hội nghị An ninh hạt nhân tại La Hay (Hà Lan) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3-2014) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Mác Rút-tơ (tháng 6-2014).

Hiện nay, Hà Lan coi Việt Nam là đối tác ưu tiên, trong đó chính sách thúc đẩy hợp tác với Việt Nam nhận được sự ủng hộ và thống nhất cao của chính giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan.

Quan hệ Việt Nam - Hà Lan là điển hình của mối quan hệ năng động và hiệu quả giữa Việt Nam và một nước châu Âu. Hai bên đã xác định năm lĩnh vực hợp tác ưu tiên, gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải. Đáng chú ý, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước từ tháng 10-2010 và đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực vào tháng 6-2014. Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Hai bên tích cực hợp tác tại các tổ chức và diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU. Hà Lan có lập trường tích cực đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định tại khu vực, nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đề cao vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông cũng như đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, hợp tác thương mại Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều hằng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Từ năm 2002, xuất khẩu của nước ta sang Hà Lan tăng trung bình khoảng 15%/năm. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,68 tỷ USD, đưa Hà Lan trở thành đối tác lớn thứ hai của Việt Nam tại EU sau Đức, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 5,3 tỷ USD. Trong năm tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,9 tỷ USD. Những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam, xếp thứ 11 trong số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 287 dự án, trị giá 7,7 tỷ USD. Ngay sau khi lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho nước ta, chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo, giáo dục - đào tạo và y tế.

Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, an ninh - quốc phòng, giao thông - vận tải, hàng hải, hải quan... diễn ra sôi động. Tháng 8-2002, Hà Lan đưa Việt Nam vào danh sách được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác đào tạo đại học. Hằng năm, Hà Lan cung cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam. Bên cạnh quan hệ với Việt Nam ở cấp chính phủ, các địa phương của Hà Lan chủ động hợp tác với các địa phương nước ta. Cộng đồng người Việt Nam ở Hà Lan khoảng 25 nghìn người, có cuộc sống ổn định, luôn hướng về quê hương.

Chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Chuyến thăm cũng là dịp đưa quan hệ đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực với Hà Lan đi vào chiều sâu; góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.