Tổng thống Liban Joseph Aoun đã ký ba sắc lệnh, bao gồm một sắc lệnh chấp thuận đơn từ chức của chính phủ lâm thời do ông Najib Mikati đứng đầu. Sắc lệnh thứ hai chỉ định ông Nawaf Salam làm Thủ tướng, với nhiệm vụ thành lập chính phủ mới. Sắc lệnh cuối cùng là quy định việc thành lập chính phủ mới gồm 24 bộ trưởng. Nội các mới của Liban được thành lập sau hơn ba tuần tham vấn với các đảng phái chính trị nhằm thành lập một chính phủ, trong đó các chức vụ được phân bổ dựa trên giáo phái và liên kết chính trị. Theo hệ thống chia sẻ quyền lực bất thành văn của Liban, chức vụ tổng thống được dành cho chính khách theo Cơ đốc giáo dòng Maronite, Chủ tịch Quốc hội là tín đồ Hồi giáo dòng Shi’ite và vị trí Thủ tướng thuộc về chính khách theo đạo Hồi dòng Sunni. Trước khi ông Salam được bổ nhiệm, Liban nằm dưới sự điều hành của chính phủ tạm quyền do ông Mikati đứng đầu suốt hơn hai năm, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Tân tổng thống Liban Aoun đang phải đối mặt nhiệm vụ khó khăn là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập. Ông đã tiếp quản dinh tổng thống Baabda trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái, nợ công tăng vọt, đồng tiền mất giá và tài sản của ngân hàng trung ương bị xói mòn. Một trong những việc phải làm trước tiên hiện nay là cấu trúc lại hệ thống ngân hàng ốm yếu khi người gửi tiền ở Liban vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các tài khoản tiền của họ tại các ngân hàng do tình trạng thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2019. Lạm phát cũng tăng cao nhất từ trước đến nay sau khi đồng nội tệ lira mất hơn 90% giá trị. Cuộc khủng hoảng đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhiên liệu cần thiết để vận hành các nhà máy điện, gây ra tình trạng mất điện. Tình trạng nghèo đói trong số 6,5 triệu người dân Liban cũng tăng vọt.
Nội các mới của Liban sẽ phải khẩn trương triển khai các cải cách theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bao gồm cấu trúc lại hệ thống ngân hàng nhằm khôi phục niềm tin cho đất nước và thúc đẩy các chủ nợ toàn cầu thực hiện nghĩa vụ giúp đỡ Liban. Năm 2022, Liban và IMF đã đạt được thỏa thuận cấp nhân viên về kế hoạch cải cách kinh tế có thể giải ngân khoảng 3 tỷ USD trong nhiều năm. Theo các điều khoản của thỏa thuận, chính quyền Liban phải cấu trúc lại các ngân hàng, cải thiện tính minh bạch. WB cho biết, tăng trưởng GDP thực tế của Liban ước tính đã giảm 6,6% vào năm 2024 do hậu quả của chiến tranh, khiến tổng mức giảm GDP thực tế kể từ năm 2019 lên hơn 38% vào cuối năm ngoái. Tình hình tài chính của Liban có khả năng sẽ xấu đi do nhu cầu tài chính tăng cao, cộng với việc doanh thu giảm, nhất là từ thuế VAT. Các số liệu từ ngân hàng trung ương Liban cho thấy, tài sản nước ngoài của nước này, không bao gồm dự trữ vàng, đã giảm mạnh xuống còn khoảng 10 tỷ USD vào cuối tháng 6 năm ngoái, từ mức hơn 30 tỷ USD vào cuối năm 2018. Nợ ngoại tệ của Liban ở mức gần 40 tỷ USD, chiếm gần 150% GDP. Trong khi đó, theo ước tính của WB, chi phí tái thiết Liban sau cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah lên tới ít nhất là 8 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng là nhiệm vụ rất khó khăn đối với chính quyền mới ở Liban. Mặc dù Liban đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, song tổng thống và chính phủ mới Liban tiếp tục phải vượt qua nhiều thách thức trong bối cảnh nhiều tổ chức công đang bị tê liệt, nhiều khu vực bị tàn phá bởi xung đột ■